Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 01:01
Thứ năm, 12/05/2022 21:05
TMO - Để phát huy giá trị, tiềm năng của những vùng sản xuất rau quả, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm rau quả, góp phần nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp và thu nhập của người dân.
Với diện tích gieo trồng hàng năm đạt 50.600 ha, sản lượng đạt 580.700 tấn/năm rau, quả là sản phẩm có tiềm năng và khả năng cạnh tranh lớn đối với thị trường trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 97 vùng sản xuất rau quả tập trung tại các địa phương Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Nông Cống, Nga Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn, TP Thanh Hóa. Trong đó, diện tích rau được sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt 8.560 ha, chiếm 17% diện tích rau, quả của toàn tỉnh.
Nhiều diện tích khoai tây trên địa bàn huyện Hoằng Hóa liên kết với doanh nghiệp từ thu mua đến chế biến
Tại huyện Hoằng Hóa, với nhiều cơ chế hỗ trợ, kích cầu thu hút đầu tư và khuyến khích người dân phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... đã thu hút 19 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt. Theo đó, có khoảng 400 ha rau, củ, quả của địa phương được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm thông qua các hợp đồng kinh tế, trong đó việc thực hiện liên kết thu mua, chế biến, sản xuất khoai tây được đẩy mạnh.
Xác định sản phẩm rau, quả thuộc nhóm sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp, như: Xây dựng vùng sản xuất tập trung, thực hiện thâm canh, ứng dụng công nghệ cao... nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn an toàn, đủ điều kiện trở thành vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.
Để phát huy giá trị, tiềm năng của những vùng sản xuất rau quả tập trung, tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm nông sản nói chung và rau, quả nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, đối với những dự án đầu tư chế biến nông, lâm sản có quy mô vốn từ 20 tỷ đồng trở lên và sử dụng tối thiểu 30% số lao động địa phương, tỉnh thực hiện hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án.
Các vùng trồng dứa được các doanh nghiệp bao tiêu, chế biến thành nhiều sản phẩm
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng phù hợp và xây dựng chính sách riêng thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến và bao tiêu nông sản cho nông dân.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được 25 doanh nghiệp chế biến rau, quả, với tổng công suất gần 110.000 tấn/năm; xây dựng 219 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn. Các sản phẩm rau, quả chế biến như dưa chuột muối, ớt muối, ớt đông lạnh,... tiêu thụ hơn 60% tại thị trường trong tỉnh và khoảng 30% rau an toàn cung cấp cho các thành phố lớn phía Bắc và một phần xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga...
Chế biến ớt đẩy mạnh tiêu thụ được địa phương chú trọng
Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm rau, quả còn tạo cơ hội để hình thành những sản phẩm rau, quả có thương hiệu, chất lượng cao, như: dứa đóng hộp, ngô đóng hộp đạt chất lượng xuất khẩu.
Để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản nói chung và rau quả nói riêng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang lồng ghép nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất để thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo vùng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống nhà mát, nhà lạnh trong bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho rau, quả.
Minh Hòa
Bình luận