Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ bảy, 24/09/2022 06:09
TMO - Với việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, qua đó cùng với nhiều giải pháp từ chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Kon Tum, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay. Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, tính đến hết năm 2021 Quỹ đã rà soát, trực tiếp ký 56 hợp đồng/56 cơ sở phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Trong hơn 10 năm, Quỹ đã thu được hơn 1.900 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng, đã giải ngân gần 1.800 tỷ đồng, trong đó hơn 92% số tiền chi cho gần 3.400 hộ gia đình cá nhân và 49 cộng đồng dân cư thôn, 32 chủ rừng tổ chức và 75 Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ.
Nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ 384.000 ha rừng cung ứng dịch vụ, chiếm khoảng 67% diện tích rừng của tỉnh không tính diện tích cây cao su, cây đặc sản. Về trồng rừng thay thế, 7 năm qua, tỉnh Kon Tum trồng được trên 2.200 ha rừng và hỗ trợ cho người dân trồng được trên 647 ha rừng sản xuất.
Các tổ bảo vệ rừng cộng đồng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Kiên
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt gần 95 tỷ đồng. Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập bình quân hằng năm của mỗi hộ gia đình đạt khoảng 9 triệu đồng/hộ/năm; mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 115 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đây là một nguồn thu tương đối lớn so với thu nhập của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng, đảm bảo cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Kon Tum.
Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh rừng tỉnh Kon Tum đã tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế tại khắp các xã thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hoạt động này, Quỹ đã tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả tại cộng đồng dân cư thôn trong công tác QLBVR như: Xây dựng quy chế và lập kế hoạch sử dụng tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư thôn cho hoạt động BVPT rừng, cho hoạt động chung của cộng đồng dân cư thôn, cho vay vốn phát triển sinh kế.
Từ việc giới thiệu các mô hình sinh kế triển vọng của Quỹ, đến những kết quả đã đạt được từ một số mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương được thực hiện nhờ nguồn tiền DVMTR đã tạo động lực để người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh rừng tỉnh Kon Tum tổ chức thường xuyên hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: ĐT
Là địa phương có độ che phủ rừng lớn với hơn 60%, tỉnh Kon Tum xác định việc quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum triển khai đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ rừng tại địa phương; đồng thời, giúp người dân sinh sống gần rừng có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Cùng với việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong năm 2022 tỉnh Kon Tum đề ra kế hoạch trồng mới 4.500 ha rừng, nhu cầu vốn để trồng diện tích rừng này là hơn 92,6 tỷ đồng. Theo kế hoạch trồng rừng giai đoạn năm 2022-2025, đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ phấn đấu trồng thêm được 15.000 ha rừng; nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh lên 64,0%. Tổng diện tích thực hiện kế hoạch trồng rừng của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2025 là hơn 13.800 ha.
Trần Hoàng
Bình luận