Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
Thứ sáu, 07/06/2024 07:06
TMO - Trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nông nghiệp đô thị được kỳ vọng sẽ là phương án hợp lý nhất, giải quyết bài toán về nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn cho cư dân đô thị tại Việt Nam.
Theo thống kê, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 người chết. Trong khi đó, năm 2022 chỉ xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc và 18 người tử vong. Theo đánh giá của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị chính là vấn đê vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo định nghĩa của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố, để cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu. Tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển Nông nghiệp đô thị chính là vấn đê vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông nghiệp đô thị tạo ra chuỗi cung ứng ngắn, nông sản được tiêu thụ trực tiếp nên giảm chi phí cho bảo quản, chế biến, giảm thất thoát và lãng phí nông sản. Nông nghiệp đô thị tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, kể cả cho người lớn tuổi, trẻ em; tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch; bảo tồn các nguồn tài nguyên di truyền bản địa, đặc hữu.
Mô hình trồng rau thủy canh đang được đẩy mạnh triển khai nhằm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn nhất là tại khu vực đô thị.
Theo các chuyên gia tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp đô thị chia ra hai khu vực: nông nghiệp nội đô và nông nghiệp ven đô. Sản xuất nông nghiệp ở hai khu vực này có những tính chất khác nhau cơ bản, nhưng cùng chung một mục tiêu hướng tới lợi ích của người dân đô thị, đó là: sản xuất, chế biến và cung ứng lương thực, thực phẩm sạch, an toàn; sản xuất và cung ứng hoa, cây cảnh, các dịch vụ sinh thái cho người dân đô thị.
Nông nghiệp đô thị có lợi ích là quy mô sản xuất vừa và nhỏ nhưng dễ áp dụng công nghệ cao trong quản lý dinh dưỡng, nước tưới và sâu bệnh, dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi… do vậy năng suất cây trồng vật nuôi của nông nghiệp đô thị thường cao hơn so với kiểu sản xuất theo truyền thống. Nông nghiệp đô thị sản xuất ngay trong nội đô, vùng lân cận nên cung ứng sản phẩm nhanh chóng cho người dân đô thị, giảm chi phí vận chuyển, lưu trữ. Nông nghiệp đô thị giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu, tăng cường tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao ngay trong TP. Ngoài ra, nông nghiệp đô thị còn tạo ra mảng không gian xanh, giúp cải thiện chất lượng không khí.
Các chuyên gia cho rằng, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam diễn ra khá nhanh, kéo theo sự gia tăng dân số nên diện tích canh tác các loại cây nông nghiệp truyền thống ven đô như: lúa, rau, cây ăn trái đang có xu hướng thu hẹp để nhường chỗ cho các công trình đô thị, các loại hình dịch vụ khác… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, nên phương pháp sản xuất truyền thống với năng suất thấp, gây ô nhiễm môi trường sẽ dần được thay bằng các kỹ thuật canh tác tiến bộ như: trồng rau công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính; sản xuất nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, sản xuất không gây ô nhiễm cho môi trường sống trong đô thị…
Ở khu vực nội đô, khi nhận thức của người dân về thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe, thì không ít người tận dụng không gian trong nhà của mình (sân thượng, ban công, sân vườn) để trồng rau trong khay, chậu hoặc trồng thủy canh; nuôi những loài vật với mục đích ban đầu để giải trí nhưng thu hoạch được thực phẩm tươi sống do mình tạo ra để sử dụng.
Đối với khu vực ven đô, do canh tác theo tập quán cũ nên năng suất và chất lượng thấp, trong khi chi phí sản xuất cao và gây ô nhiễm môi trường. Do đó ở ven đô, người dân đang dần thay thế mô hình và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nhằm không những tăng năng suất, chất lượng mà còn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản, thủy sản. Ví như tại TP.HCM, giảm diện tích trồng lúa, mía… sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, như: hoa lan, mai vàng, cá kiểng, chim yến. nuôi tôm sinh thái…, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm.
Có thể kể đến một số mô hình nông nghiệp đô thị xanh đem lại hiệu quả, như: trồng rau thủy canh (trồng rau không cần đất, sử dụng dung dịch để nuôi cây), có thể trồng trên sân thượng, sát tường nhà hoặc góc nhà gần cửa sổ. Hoặc kết hợp trồng rau thủy canh hữu cơ và nuôi cá trong một hệ thống tuần hoàn khép kín, khi đó chất thải của cá được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng cho cây, và rễ cây giúp lọc sạch nước trả lại cho bể cá. Trồng hoa lan và sản xuất nấm trong nhà (nấm bào ngư, rơm, linh chi); nuôi cá cảnh xuất khẩu… không những đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường sống, tạo ra không gian xanh cho đô thị.
Để phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả cần ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất.
Để nông nghiệp đô thị phát triển, các chuyên gia nhấn mạnh cần thiết phải thực hiện các giải pháp về về quy hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. TP.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào ngày 29/12/2023, và cũng chưa thể đi vào cuộc sống. Riêng TP.Hà Nội cũng mới chỉ phê duyệt Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị mà chưa có đề án chính thức.
Vì thế, các chuyên gia tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường. Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định.
Cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa, xu hướng di cư của người dân ra các khu vực thành thị. Đặc biệt, có các chính sách, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị và hơn nữa, việc sử dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị cũng là kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã thực hiện thành công.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần định hướng trước mắt cũng như lâu dài cho sản xuất nông nghiệp đô thị, phù hợp với điều kiện không gian ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, tương thích với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Lê Thoa
Bình luận