Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ ba, 08/11/2022 08:11
TMO - Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian qua UBND tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhằm khai thác, sử dụng hợp lý kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân chủ yếu là nước mưa tại chỗ, một phần được bổ sung từ nguồn nước sông Hậu. Trong đó, nguồn nước từ sông Hậu ước tính chảy vào địa bàn Bạc Liêu khoảng 1,4 tỷ m3/năm. Qua thống kê cho thấy, lượng mưa hàng năm trên địa bàn tỉnh khá lớn và được xem là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất, sinh hoạt của dân cư khu vực nông thôn.
Ước tính tổng lượng nước mưa cả năm trên diện tích hơn 2.667km2 khoảng hơn 5 tỷ m3/năm, trừ lượng bốc hơi và hao hụt, sai số... thì còn khoảng 4 - 4,2 tỷ m3/năm (chiếm khoảng hơn 6% tổng lượng nước mưa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long); phân bố vào mùa mưa khoảng 3,5 - 3,6 tỷ m3 (chiếm 85% lượng mưa cả năm).
Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình và phân bố mưa, nguồn nước này rất khó tận dụng mà còn gây ra úng ngập trên diện rộng, hiện nước mưa chủ yếu phục vụ sinh hoạt cho dân cư trong vùng. Riêng mùa khô, nguồn nước lấy từ sông Hậu không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư, do Bạc Liêu ở cuối hạ lưu sông Mê Kông và chỉ có một trục cấp nước ngọt duy nhất lấy từ sông Hậu là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Do vậy, thường xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm.
Nguồn tài nguyên nước mặt giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo lượng nước cho sinh hoạt và sản xuất tại các địa phương. Ảnh: XD
Cùng với tài nguyên nước mặt thì công tác quản lý khai thác nguồn nước ngầm được địa phương này nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tính đến nay, Bạc Liêu có 2 nhà máy nước đô thị, gồm 8 giếng khoan công nghiệp với tổng lưu lượng thiết kế 22.000m3/ngày đêm. Thực tế khai thác khoảng 18.000m3/ngày đêm, cấp cho khoảng 35.000 hộ dân (khu vực TP. Bạc Liêu) và 115 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn, với tổng lưu lượng theo thiết kế 45.812m3/ngày đêm, lưu lượng khai thác thực tế khoảng 30.863m3/ngày đêm, cấp cho khoảng 75.887 hộ dân (khu vực các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh). Bên cạnh đó, có khoảng 300 cơ sở, công ty, doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất đã được cấp phép với lưu lượng khai thác khoảng 70.000m3/ngày đêm và lưu lượng hàng trăm hộ gia đình cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và tưới rau màu...
Xác định tài nguyên nước có tác động trực tiếp đến phát triển bền vững, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị 04 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở TN&MT còn tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách, Bạc Liêu cần tăng cường khả năng dẫn và trữ nước ngọt trong mùa mưa đủ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô và thay thế dần cho nhu cầu sử dụng nước ngầm, nhất là ở khu vực ven biển, phía Nam Quốc lộ 1A; hạn chế dần, thậm chí cấm hẳn sử nước ngầm cho một số lĩnh vực. Quản lý nghiêm ngặt mọi hoạt động khai thác, sử dụng nước để bảo vệ nguồn nước ngầm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài nguyên nước, đặc biệt là trình trạng lạm dụng khai thác làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.
Sở TN&MT triển khai các giải pháp như tăng cường nạo vét nhằm khơi thông, nâng cao chất lượng nguồn nước
Sở TN&MT đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác nguồn nước tại địa phương. Theo đó, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh xem xét kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án về tài nguyên nước, nhất là Dự án “Khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho cả thành thị và nông thôn để hạn chế việc khoan giếng và khai thác đơn lẻ để bảo vệ tốt nguồn nước dưới đất.
Xây dựng hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là hướng dẫn, nhắc nhở); từng bước đưa công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất đi vào nề nếp, theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc cấp, gia hạn và điều chỉnh các loại giấy phép về tài nguyên nước theo quy định.
Minh Thanh
Bình luận