Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ hai, 09/09/2024 15:09
TMO - Kết quả canh tác lúa giảm phát thải trong vụ Hè Thu vừa qua tại một số địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng cho thấy, mô hình sản xuất này không chỉ giúp giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà lợi nhuận của nông dân còn tăng từ 12- 20%.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tập trung nhiều cho việc phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa cao sản, đặc sản để nâng giá trị lúa sau thu hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, đến nay toàn tỉnh đã hình thành được một số khu vực sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với diện tích hơn 16.000ha. Tính từ đầu năm 2024, diện tích lúa của tỉnh đã xuống giống 331.720ha, đạt 104%, tăng 2% so cùng kỳ, đã thu hoạch hơn 192.295ha, sản lượng 1,33 triệu tấn, tăng hơn 7% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm gần 95%, với các giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: ST, Tài nguyên, Đài thơm 8...
Với việc đưa vào sản xuất chủ lực các loại giống lúa đặc sản chất lượng cao như giống ST24, ST25, Tài nguyên, Đài thơm 8... nên năng suất, sản lượng, giá trị lúa gạo đều tăng cao cho nhà nông. Từ đầu năm đến nay, giá lúa tăng từ 400 - 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; cụ thể, lúa thường có giá từ 7.000 - 7.700 đồng/kg, lúa thơm dao động từ 7.400 - 8.400 đồng/kg và lúa đặc sản có giá từ 7.600 - 9.400 đồng/kg, cho lợi nhuận rất cao cho người trồng với khoảng từ 20 - 35 triệu đồng/ha/vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai trên diện tích 72.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Vụ lúa Hè Thu năm nay, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thí điểm 1 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú). Mô hình có 46 hộ thành viên tham gia với tổng diện tích trên 50 ha. Sau hơn 3 tháng gieo sạ, từ đầu tháng 9 những tấn lúa đầu tiên thuộc mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải cacbon thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của tỉnh Sóc Trăng đã được thu hoạch.
Mô hình được thực hiện gieo sạ bằng giống lúa ST25 cấp xác nhận, thời gian sinh trưởng của lúa 105 ngày. Sau thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm cho thấy, chi phí sản xuất thấp hơn so với bên ngoài mô hình là hơn 5,3 triệu đồng/ha. Lúa trong mô hình ở Sóc Trăng đã thu hoạch, năng suất đạt hơn 64 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,6 tạ/ha và lợi nhuận mô hình thí điểm cao hơn hơn 5,2 triệu đồng/ha so với bên ngoài mô hình. Hiệu quả của mô hình sản xuất tăng 32%.
Mô hình được thực hiện cơ giới hóa vào đồng ruộng, gieo sạ bằng máy, sử dụng lượng giống 60 kg/ha, giảm 10 kg/ha so nông dân ngoài mô hình; nhất là giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm trên 41% lượng đạm so với ngoài mô hình. Việc đo đạc lượng khí phát thải nhà kính được theo dõi chặt chẽ. Kết quả đo được cho thấy, mô hình có lượng khí phát thải 9.505 kg CO2 tương đương 1ha/vụ. Trong khi ngoài mô hình, không áp dụng quy trình phát thải là 13.501 kg CO2, chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là đã giảm được gần 3 tấn carbon/ha/vụ, cho thấy hiệu quả về môi trường là rất lớn.
Việc triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước đầu mang lại hiệu quả. Ảnh: PA.
Đây là vụ lúa đầu tiên, những nông dân tại xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) tham gia thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Với trung bình khoảng 2ha lúa, sau hơn 3 tháng gieo trồng, năng suất đạt gần 7 tấn/ha và được doanh nghiệp thu mua với giá 10.800 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha. Chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng/ha. Tổng chi phí đầu vào giảm từ 10 - 15% do giảm giống, giảm lần bón phân, phun thuốc BVTV. Từ đó lợi nhuận tăng lên hơn 12% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình.
Theo HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (huyện Long Phú), vụ Hè Thu 2024 HTX có 50 ha thí điểm trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải với 46 hộ tham gia, giống lúa được chọn canh tác là ST25. Hiện đang thu hoạch năng suất đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha. Tổng sản lượng khoảng 325 tấn. Lúa được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua với giá 10.800 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 2.300 đồng/kg. Mô hình này đã mang lại hiệu quả là giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và còn được doanh nghiệp thu mua đây là động lực để HTX tiếp tục thực hiện trong vụ Đông Xuân tới.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước khi nhân rộng triển khai, Bộ NN&PTNT đã thực hiện thí điểm 7 mô hình ở 5 địa phương gồm TP.Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Cục Trồng trọt cho biết, trong vụ Hè Thu 2024, 3 tỉnh, thành phố (TP Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng) đã thực hiện 4 mô hình với diện tích 196ha. Ước năng suất đạt 64,52 tạ/ha cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,63 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn. Lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 12 - 20%. Vụ lúa Thu - Đông 2024, có 3 mô hình đã gieo sạ 140ha, ước năng suất trung bình đạt hơn 6,3 tấn/ha và sản lượng đạt 157 tấn, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024. Cục Trồng trọt cũng đánh giá, việc giảm chi phí sản xuất lúa trên cánh đồng thực hiện mô hình, giúp tổng chi phí đầu vào giảm 10-15% so với đối chứng bên ngoài mô hình.
Theo Cục Trồng trọt, dự kiến sẽ thực hiện 7 mô hình trong vụ Thu - Đông năm 2024 với diện tích 186 ha, trong đó đã gieo sạ 140 ha, còn lại 139 ha, có hơn 40 ha mô hình lúa tôm, sẽ gieo sạ trong tháng 9 này. Trong khi đó, kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm vụ Đông Xuân 2024 – 2025 nhiều địa phương dự kiến sẽ mở rộng mô hình trình diễn ra nhiều huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng hơn 65 mô hình với diện tích ước 3.344 ha được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau bao gồm kinh phí trung ương từ Bộ NN&PTNT và nguồn vốn ngân sách địa phương.
Mai Linh
Bình luận