Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ bảy, 18/03/2023 12:03
TMO - Những năm gần đây, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn chuyển đổi từ nghề đánh bắt sang nuôi trồng thuỷ hải sản như nuôi tôm sú, nuôi ếch, nuôi lươn…Trong đó, điển hình là mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của HTX Sản xuất kinh doanh Dịch vụ thủy sản Kim Phi (HTX Kim Phi) tại xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ mang lại nguồn thu nhập cao.
Trước đây, xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ, được biết đến là một xã ven biển người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thuỷ hải sản ven bờ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ nuôi loài cá lóc (cá tràu, cá đô, cá quả) nhiều hộ gia đình khá giả và vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng mang lại thu nhập cao cho người dân Ngư Thuỷ Bắc.
Đến tham quan mô hình nuôi cá lóc của HTX Kim Phi tại xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi bắt gặp anh Phi (Giám đốc HTX) đang chăm sóc cá trong hồ rộng khoảng 300m2. Anh chia sẽ cho cá ăn cũng phải đủ lượng thức ăn và phù hợp với tỉ lệ cá nuôi trong hồ có như vậy mới tránh thức ăn còn tồn động. Theo đó, để cá lóc phát triển tốt đầu tiên là nguồn nước phải sạch, định kỳ phải thay nước, công tác phòng bệnh là yếu tố quan trọng, định kỳ phải xổ giun cho cá, phải phòng trừ bệnh nấm thủy mi, bệnh lở loét.
Bên cạnh đó phải ổn định môi trường, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh bằng cách xử lý định kỳ 15 ngày/lần bằng dung dịch Vimekon (1g/1m3 nước). Anh Phi cho biết: "Với ao có diện tích mặt nước khoảng 300m2 có độ sâu từ 0,7 - 1m, thì thả khoảng 3 vạn cá giống. Thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng là có thể xuất bán, chi phí ban đầu để nuôi mỗi hồ cá khoảng 20 - 30 triệu đồng, sau khi cá lớn, với giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi tấn cá cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng".
Chị Liên, thành viên HTX chia sẻ: Từ khi có HTX Kim Phi bao tiêu, hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên không lo đầu ra. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí từ 4 hồ nuôi cá lóc thì lãi khoảng 90 đến 100 triệu đồng. Đặc biệt với vùng miền toàn cát thì đào ao nuôi cá thì có lãi hơn các loại hình chăn nuôi khác, tỉ lệ ít thiệt hại hơn.
Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thuỷ Bắc cho biết: Việc đào ao nuôi cá lóc là thành công lớn của xã khi chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, đầu ra ổn định nên nuôi cá lóc cho thu nhập cao hơn hẳn so với đánh bắt thủy sản ven bờ. Nghề này cũng tận dụng được diện tích cát trắng vốn lâu nay bỏ hoang.
Đến nay, toàn xã có gần 300 hộ gia đình đào hồ nuôi cá lóc, trong đó có nhiều hộ gia đình đầu từ phát triển 5-6 hồ với diện tích khoảng 100m2 - 300m2. Việc phát triển nuôi cá lóc trên cát đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhân dân hàng năm, mỗi hộ lãi từ 50 đến 100 triệu đồng đời sống bà con được nâng lên.
Nguyễn Hoàng
Bình luận