Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ bảy, 20/05/2023 12:05
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với các địa phương điều chỉnh quy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.
Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các địa phương tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái tập trung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất gắn với các doanh nghiệp để tiêu thụ. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, giảm diện tích trồng lúa trên những khu vực trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới trong mùa khô.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa màu sẽ cho lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần. Trồng cây lâu năm lãi gấp 2 - 8 lần trồng lúa. Bình quân 1 ha trồng xoài, mít, nhãn , chanh… cho lợi nhuận từ 50 đến 200 triệu đồng/ha/năm tăng gấp 2 - 8 lần trồng lúa.
Trong đó, các mô hình trồng sen kết hợp làm du lịch của các hộ dân tại thành phố Hồng Ngự cho thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Theo người dân tại huyện Tháp Mười việc trồng lúa vừa qua gặp khó khăn, giá cả bấp bênh, lãi thấp, thời tiết không thuận lợi. Nhiều hộ gia đình tại địa phương này mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít cho hiệu quả kinh tế ổn định hơn...
Năm 2023, toàn tỉnhcó khoảng 235 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen, kết hợp với hoạt động du lịch gia tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: NT.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 của toàn tỉnh là 6.306ha, Trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm 3.858 ha, cây lâu năm 1.205,5 ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản 37 ha. Đối với cây lâu năm, các loại cây có diện tích chuyển đổi lớn gồm: Cây xoài, mít, chanh, ổi, cam... Đối với cây hàng năm, chủ yếu là các loại hoa màu như: Ớt, dưa hấu, bắp, kiệu, sen...
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Địa phương này sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình canh tác hoa màu theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt (GAP); xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ làm đất đến khâu thu hoạch trên một số cây màu như bắp, mè, ớt... nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa kiểng. Rà soát lại hệ thống đê bao, địa hình, thuỷ lợi nội đồng, bảo đảm an toàn trong mùa lũ, chủ động tưới tiêu.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,... để tiết kiệm nước. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu các loại máy phù hợp từng bước áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây hoa màu, đặc biệt trong khâu làm đất, sử dụng màng phủ nông nghiệp, gieo hạt, bón phân, thu hoạch và sau thu hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây hoa màu.
Nông dân tại huyện Tháp Mười chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít Thái. Ảnh: NT.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không làm thay đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, người dân phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã để được hướng dẫn, thực hiện thủ tục hành chính đúng quy định.
Khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, phải đảm bảo các nguyên tắc chung: Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thuỷ sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng. Các khu vực, đê bao vững chắc, vùng gò cao, cù lao,... có thể chuyển 2 lúa- 1 màu, 1 lúa - 2 màu; trong đó, chú trọng các loại cây trồng có khả năng tiêu thụ,chế biến lớn như vừng, ngô, khoai,..., hoặc có thể 1 lúa - 1 thuỷ sản, 1 lúa - 1 màu (chuyển thành 2 vụ) nhưng cho giá trị, lợi nhuận cao hơn sản xuất 3 vụ lúa.
Việc chuyển đổi này sẽ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó sẽ hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Ðồng Tháp, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Cùng đó, hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đồng thời góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Nguyễn Minh
Bình luận