Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 18/11/2022 14:11
TMO - Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh mở rộng, nâng cấp mạng lưới cung cấp nước sạch hướng đến mục tiêu giai đoạn 2021 -2025, 100% các xã và 100% người dân trong toàn tỉnh có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng nước sạch.
Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 39 nhà máy nước, trạm cấp nước sinh hoạt đang hoạt động (11 nhà máy nước đô thị, 28 nhà máy nước nông thôn) với tổng công suất theo thiết kế khoảng 240.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất tiêu thụ thực tế khoảng 200.000 m3/ngày đêm, trong đó khu vực đô thị là 113.000 m3/ngày đêm, khu vực nông thôn 87.000 m3/ngày đêm.
Các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó, số dân sử dụng nước sạch theo QCVN 02: 2009/BYT đạt gần 70%.
Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua hoạt động quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ nước sạch vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều nhà máy nước công suất nhỏ, công nghệ chưa theo kịp tốc độ phát triển, dẫn đến chất lượng nước, lưu lượng nước chưa đảm bảo, cấp nước không liên tục (cấp theo giờ). Một số nhà đầu tư chỉ đầu tư mạng cấp nước (mua buôn nước của các nhà máy nước, bán lẻ đến từng hộ gia đình) quy mô nhỏ, khó quản lý, hiệu quả thấp…
Ngoài ra, việc quy định cùng một mức giá cung cấp nước sạch trên địa bàn làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch của doanh nghiệp chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn đến khó khăn cho nhiều đơn vị trong quản lý, vận hành do một số nơi tỷ lệ dân số dùng nước sạch thấp, số tiền thu được không đủ chi phí quản lý, vận hành, chưa nộp khấu hao tài sản cho Nhà nước.
Trước thực trạng trên, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước sạch, nhiều ý kiến cho rằng UBND tỉnh cần sớm có chủ trương khuyến khích các trạm cấp nước công suất nhỏ chuyển giao, sát nhập vào các đơn vị cấp nước quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp, từ đó, tăng cường năng lực cấp nước, tạo niềm tin cho nhân dân, nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành chức năng, doanh nghiệp cung cấp nước sạch cần phối hợp xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, sớm cấp nước phục vụ nhân dân 6 xã còn lại chưa có nước sạch; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, bổ sung công suất các nhà máy nước sinh hoạt hiện có trên địa bàn tỉnh theo lộ trình và nguồn lực của tỉnh, doanh nghiệp… bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Công tác xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch được các nhà máy chú trọng triển khai. Ảnh: BBN
Bên cạnh các nhà máy xử lý nước sạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay của Ngân hàng Thế giới, những năm qua, tỉnh chú trọng huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý và khai thác, nhằm giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước đối với các công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân khu vực nông thôn. Các công trình cấp nước tại các địa phương đang được khai thác khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần giúp người dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng đời sống và sức khỏe nhân dân.
Mới đây, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình bảo đảm an ninh nguồn nước thô của các trạm cấp nước sạch do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao nhiệm vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng một số hạng mục tại các trạm nước sạch: Tri Phương (Tiên Du), Tam Giang (Yên Phong), Phù Lãng (Quế Võ), Cao Đức, Đại Lai (Gia Bình), Phú Hòa (Lương Tài).
Hoàng An
Bình luận