Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 27/08/2024 14:08
TMO - Cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân vùng nông thôn. Do đó, bảo vệ, khai thác hiệu quả, gắn với huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác công trình nước sinh hoạt vùng nông thôn là rất cần thiết.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa hàng trăm công trình nước sinh hoạt. Hiện toàn tỉnh có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn. Toàn tỉnh có 76/115 xã đạt tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 30%, giúp nâng cao chất lượng sống.
Mặc dù vậy, do nhiều bất cập trong quản lý sau đầu tư, nên hiện nay có hàng trăm công trình cấp nước tập trung ở nông thôn hoạt động kém hiệu quả, không bền vững hoặc xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa. Tại các huyện vùng cao: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà… cứ vào mùa khô là xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhiều trường học phải cắt cử giáo viên, học sinh thường xuyên đi lấy nước mó cách xa chỗ ở hàng cây số về dùng dè dặt trong ngày.
Nguyên nhân các công trình xuống cấp, không phát huy hiệu quả, do ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã và cộng đồng dân cư quản lý, cán bộ vận hành không được đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều công trình có công suất nhỏ, được đầu tư xây dựng nhiều năm đã hết khấu hao. Ngoài ra, nhiều công trình bị hỏng do ảnh hưởng bởi thiên tai, nước nguồn cạn kiệt, suy giảm chất lượng nước… trong khi đó ngân sách địa phương không bố trí đủ để duy tu, sửa chữa kịp thời, dẫn đến xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh hoạt động kém hiệu quả.
Tại Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 825 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với khoảng 36 nghìn hộ đang sử dụng. Lào Cai đang giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước tập trung nông thôn cho 3 chủ thể quản lý, là UBND xã, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong tổng số 825 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư, hiện chỉ còn hơn 200 công trình hoạt động hiệu quả.
Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả hoặc kém bền vững. Nguyên nhân là do một số công trình đã sử dụng lâu năm, nay xuống cấp hoặc bị mưa lũ phá hỏng, các công trình không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, dẫn tới không thể cấp nước theo đúng kỳ vọng. Tỉnh đã có quy định mức thu tiền sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn để có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và trả lương cho những người quản lý, vận hành các công trình nhưng trên thực tế, việc thực hiện quy định này rất khó khăn.
Kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2023 mới đây cho thấy, hiện toàn tỉnh có 1.504 công trình cấp nước tập trung, nhưng có đến 240 công trình hoạt động kém hiệu quả, 207 công trình không hoạt động, trong khi người dân vẫn phải sử dụng các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh cho khu vực này, tuy nhiên tính bền vững của các thành quả đạt được chưa cao, chất lượng nước, chất lượng xây dựng các công trình còn nhiều bất cập. Nhiều công trình nước kém hoạt động và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm niềm tin của người dân.
Tuy nhiên do thời tiết khô hạn, hệ thống nước mặt bị tụt, một số công trình nước tự chảy nguồn nước không bảo đảm nên công trình không sử dụng được. Một số công trình được đầu tư từ lâu đã hết khấu hao, hệ thống đường ống bị hư hỏng không được sửa chữa... Bên cạnh đó, việc chỉ đạo triển khai cụ thể hóa các văn bản của Trung ương chưa kịp thời; còn nhiều công trình sau đầu tư được đưa vào sử dụng, nhưng chưa quyết toán dự án hoàn thành; nhận thức, ý thức của một số người dân trong việc sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ nguồn nước, sử dụng và bảo vệ các công trình nước sạch nông thôn tập trung còn nhiều hạn chế.
Đối với các công trình giao cho UBND xã quản lý và UBND xã giao cho Tổ, cộng đồng quản lý, khai thác thì lực lượng vận hành của một số công trình chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các công trình... Do thiếu nguồn vốn, khiến nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp tại các địa phương không được sửa chữa kịp thời, nên phải ngừng hoạt động...
Việc rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sạch qua đó triển khai giải pháp khai thác hiệu quả các công trình này là nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai. Ảnh: HL.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 360 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn (Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án giảm nghèo, Chương trình 135, Dự án ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình), với tổng mức đầu tư 733,735 tỷ đồng. Trong đó, có 37 công trình hoạt động bền vững; 62 công trình hoạt động trung bình; 80 công trình hoạt động kém hiệu quả; 181 công trình không hoạt động.
Công tác quản lý, vận hành và khai thác các công trình cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến: hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nước sạch nông thôn hiện vẫn đang dần được hoàn thiện; các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước); việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện, công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ mang tính tạm thời, mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh...
Cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân vùng nông thôn. Do đó, bảo vệ, sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững, gắn với huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác công trình nước sinh hoạt cho nhân dân vùng nông thôn là rất cần thiết.
Ðến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18.000 công trình cấp nước nông thôn tập trung, cung cấp nước cho khoảng 32 triệu người, chiếm 52% số dân nông thôn; còn khoảng 48% dân số nông thôn sử dụng nước từ công trình cấp nước hộ gia đình. Công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng cấp nước sạch vùng nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, ở nhiều nơi, nhân dân vùng nông thôn đã được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh giúp nâng cao chất lượng sống.
Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn cả nước có khoảng 5.976 công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém bền vững và xuống cấp, hư hỏng. nguyên nhân là do nhiều công trình có công suất nhỏ (dưới 50 m3/ngày, đêm) và được đầu tư xây dựng hơn 20 năm đã hết khấu hao. Các công trình này chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, giao cho UBND xã hoặc cộng đồng dân cư quản lý, cán bộ vận hành không được đào tạo chuyên nghiệp.
Ngoài ra, nhiều công trình bị hỏng do ảnh hưởng bởi thiên tai, nguồn nước bị cạn kiệt, suy giảm chất lượng nước… trong khi đó ngân sách địa phương không bố trí được nguồn để duy tu, sửa chữa kịp thời dẫn đến việc xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Một số địa phương chỉ chú trọng đến xây dựng công trình mới mà chưa quan tâm đến việc duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình cũ; ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, ý thức của người dân trong việc sử dụng nước và bảo vệ công trình chưa cao…
Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, phấn đấu có 65% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn; đến năm 2045, phấn đấu 100% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch.
Ðể thực hiện mục tiêu đó, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần chuyên nghiệp hóa công tác quản lý khai thác, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm công trình cấp nước nông thôn hoạt động ổn định, hiệu quả, bền vững; rà soát các công trình hư hỏng, xuống cấp để bố trí kinh phí sửa chữa; huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý khai thác, vận hành và bảo vệ công trình cấp nước nhưng có sự hỗ trợ về chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị chuyên trách.
Ðồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn, nhất là các công trình giao cho ủy ban nhân dân xã quản lý; hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại những vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.../.
Nguyễn Nga
Bình luận