Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ sáu, 22/07/2022 13:07
TMO - Trong những năm qua, lượng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng gia tăng. Thực trạng này, đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại, giảm tối đa tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 676.931,93 kg, trong đó: Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và các cơ sở y tế cá nhân chiếm tỷ lệ 14,9%; cơ sở hoạt động trong lĩnh vực bán, bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ 11,97%; dự án khai thác, chế biến khoáng sản chiếm tỷ lệ 13,78%.
Chất thải nguy hại phát sinh từ dự án nông nghiệp và chế biến nông sản chiếm tỷ lệ 4,97%; dự án hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm tỷ lệ 46,18%; dự án hoạt động trong lĩnh vực điện lực, thủy điện chiếm tỷ lệ 5,41% và chất thải nguy hại phát sinh từ các ngành khác chiếm tỷ lệ 2,79%.
Trong đó, đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại tỉnh, theo thống kê lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2021 từ 3.500 - 4.000 tấn. Với lượng thuốc trên, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường hàng năm tại địa phương này lên đến khoảng 185 - 300 tấn.
Công tác thu gom rác thải gây hại từ hoạt động nông nghiệp được các lực lượng tiến hành triển khai. Ảnh: Lâm Viên
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng lượng chất thải nguy hại đã xử lý là 636.681,93 kg, chiếm tỷ lệ 94%. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp đã có trách nhiệm trong việc quản lý chất thải nguy hại phát sinh tại đơn vị và thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Loại chất thải nguy hại được xử lý chủ yếu là chất thải y tế nguy hại, chất thải từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (dầu thải; giẻ lau, dính dầu nhớt thải, bộ lọc dầu thải; bóng đèn huỳnh quang thải; pin ắc quy chì...) và chất thải từ các cơ sở bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô, xe gắn máy.
Đối với công tác chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, hiện nay đã có 147 đơn vị tiến hành chuyển giao chất thải nguy hại, bao gồm: 40 đơn vị có sổ chủ nguồn thải và 107 đơn vị không thuộc đối tượng cấp sổ.
Một số đơn vị chưa chuyển giao do khối lượng phát sinh quá ít hoặc chưa tìm được đơn vị xử lý phù hợp, trường hợp này Sở TN&MT đã có hướng dẫn về thu gom, phân loại và lưu giữ theo quy định của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại.
Công tác xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải nguy hại được tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế và các địa phương nghiêm túc triển khai theo hướng dẫn
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp các Sở, ngành địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý về chất thải nguy hại nói riêng. Sở TN&MT tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải nguy hại của các đơn vị.
Đối với chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường của địa phương, xây dựng lộ trình thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, do còn nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng bể thu gom, kho lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định.
Đối với công tác xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động y tế, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, trong nhiều năm nay ngành đã tổ chức, hướng dẫn và định kỳ kiểm tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường.
Tiếp tục rà soát, bổ sung và chỉnh sửa các chương trình, các kế hoạch như Kế hoạch về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Lâm Đồng Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện việc quản lý chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh kêu gọi hỗ trợ các nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại tập trung để chủ động hơn trong công tác xử lý chất thải nguy hại, từ đó góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân, đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Thu Trang
Bình luận