Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ bảy, 16/07/2022 12:07
TMO - Cùng với các địa phương trên cả nước, những năm qua tỉnh Bình Định tăng cường triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khoảng 900 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom khoảng từ 47 - 90% ở khu vực thành thị (TP Quy Nhơn: 94%); 30% tại khu vực nông thôn. Theo số liệu từ khảo sát sơ bộ của UNDP năm 2022 tại TP Quy Nhơn, 17% CTRSH được tái chế; chất thải nhựa chiếm 20% CTRSH.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp trong thu gom, xử lý tái chế chất thải rắn sinh hoạt và nhựa, thời gian qua tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai các dự án, kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải sinh hoạt, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương.
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn được địa phương đẩy mạnh thực hiện tại các địa phương (Ảnh minh họa)
Mới đây nhất, trong khuôn khổ của Hội thảo "Các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương", UBND tỉnh Bình Định và UNDP tại Việt Nam hợp tác 4 nội dung chính: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; Kinh tế biển xanh; Thích ứng biến đổi khí hậu; Hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.
Theo đó, 4 dự án được lãnh đạo hai bên thảo luận hợp tác: Làng Hòa Bình Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định; Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP.Quy Nhơn do UNDP tài trợ; Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu Covid-19 tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ; Cộng đồng ven biển thông minh khí hậu do Chính phủ Canada tài trợ.
Trong đó, Dự án Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn do UNDP tài trợ. Dự án có tổng vốn đầu tư tương đương 18 tỉ đồng, gồm vốn ODA viện trợ không hoàn lại 3,6 tỉ đồng và vốn đối ứng 14,4 tỉ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện: 2022-2024.
Dự án nhằm hỗ trợ thực hiện các mô hình quản lý chất thải bền vững giúp cải thiện sinh kế cho đối tượng lao động về chất thải. Theo đó, các mô hình trình diễn được thực hiện ở TP.Quy Nhơn nhưng kết quả về chính sách, cơ chế quản lý… sẽ được phổ biến toàn tỉnh Bình Định. Hiện Sở Kế hoạch&Đầu tư tỉnh Bình Định đã có báo cáo thẩm định dự án, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Công tác thu gom, tái chế rác thải nhựa được các lực lượng trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, hạn chế ô nhiễm nhất là tại khu vực ven biển. Ảnh: TT
Dự án Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu Covid -19 tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, được triển khai trên toàn tỉnh Bình Định, trong đó chủ yếu tại TP.Quy Nhơn. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2026 (4 năm). Hiện dự án đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ văn kiện phi dự án để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức giữa UNDP và UBND tỉnh Bình Định.
Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh khí hậu” do Chính phủ Canada tài trợ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế như chuyển đổi nghề cho ngư dân quanh đầm Thị Nại, đảm bảo duy trì, bảo tồn đa dạng sinh thái trên vùng đầm và xây dựng nhà tránh, trú bão, lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng… Hiện dự án đang trong quá trình nghiên cứu để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Cuối cùng là Dự án làng Hòa Bình Việt Nam – Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định được triển khai trên địa bàn 20 xã tại 6 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định gồm: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng địa phương vùng dự án đang sinh sống và xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn.
Hiện nay dự án đã được lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương về nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Định trong quý 3 năm nay.
Với việc triển khai các dự án ở trên cũng như tiếp tục duy trì các đề án, kế hoạch trong quản lý chất thải rắn và nhựa, tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 10% đối với thành phố Quy Nhơn; giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30% (trong tổng lượng rác được thu gom) đối với các huyện, thị xã.
Đồng thời, thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100% đối với thành phố Quy Nhơn và 90% đối với đô thị khác; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn nông thôn; 100% số xã được đơn vị có chức năng thu gom rác thải. Hơn hết, địa phương này hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.
Vân Khánh
Bình luận