Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Chủ nhật, 06/11/2022 03:11
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia. Do vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển các giá trị tài nguyên tại các khu vực này được nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được công nhận 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, với tổng diện tích khoảng 4.866.009 ha, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (19 Khu dự trữ sinh quyển).
Các Khu dự trữ sinh quyển được công nhận bao gồm: Khu DTSQ Núi Chúa (Ninh Thuận); Kon Hà Nừng (Gia Lai); Langbiang (Lâm Đồng); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Mũi Cà Mau (Cà Mau); Khu DTSQ miền tây Nghệ An (Nghệ An); Khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (Kiên Giang); châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình); Cát Bà (Hải Phòng); Khu DTSQ Đồng Nai ( Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông); rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM).
Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có sự ủng hộ chính trị của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các cam kết đối với quốc tế và có nhiều sáng kiến, đóng góp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Các khu vực này cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của quốc tế cũng như quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.
Các khu dự trữ sinh quyển là không gian bảo vệ và phát triển cho hệ sinh thái đa dạng, quý giá tại các địa phương (Ảnh: VQG U Minh Thượng - Minh Hải)
Việc công nhận các khu dự trữ sinh quyển có ý nghĩa lớn với quốc gia, đó là hỗ trợ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các Công ước, cam kết quốc tế. Với các địa phương, khu dự trữ sinh quyển giúp bảo tồn dự trữ sinh học và phát triển bền vững, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường sự hợp tác và sự tham gia, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục...
Trong thời gian qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã và đang có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương.
Với những giá trị tài nguyên quý giá tại các Khu dự trữ sinh quyển, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Từ đây, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có Khu dự trữ sinh quyển tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.
Theo đó các đơn vị chức năng, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các Khu dự trữ sinh quyển tại địa phương. Thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý bền vững Khu dự trữ sinh quyển.
Các Khu DTSQ là điều kiện phát triển du lịch sinh thái kết hợp với nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của Khu dự trữ sinh quyển; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các Khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững. Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại địa phương để tăng cường kết nối giữa con người và thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Huy động và đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý các Khu dự trữ sinh quyển; tăng cường hợp tác với UNESCO, các tổ chức quốc tế, các thành viên trong mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển trên thế giới; tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
Bộ TN&MT đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời, Bộ hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và quản lý Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; Cù Lao chàm-Hội An; Đồng Nai trong khuôn khổ dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam.
Để được công nhận, khu dự trữ sinh quyền phải đáp ứng được 7 tiêu chí. Đó là, hệ thống sinh thái đại diện cho địa sinh học của các khu vực (bao gồm các mức độ can thiệp của con người); có tầm quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học; cung cấp cơ hội để khám phá và chứng minh phương pháp tiếp cận bền vững; có diện tích phù hợp để phục vụ 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển (bảo tồn, phát triển và hỗ trợ); có các phân vùng thích hợp, gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp bên ngoài; có cơ cấu tổ chức và đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan; cần chuẩn bị: cơ chế quản lý, các chính sách và kế hoạch quản lý; cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chính sách và kế hoạch, các chương trình nghiên cứu, giám sát, giáo dục và đào tạo.
Đỗ Hương
Bình luận