Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ tư, 15/02/2023 04:02
TMO - Với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua nhu cầu sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng tăng. Để tránh lãng phí tài nguyên đất, các cơ quan chuyên môn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt tăng cường quản lý nhà nước trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong năm 2023, Thanh Hóa dự kiến đưa 766 mặt bằng quy hoạch ra đấu giá, dự thu hơn 19.000 tỷ đồng. Trong số các dự án được phê duyệt đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) này có 4 dự án được Nhà nước giao để thực hiện dự án đầu tư nhưng không đưa đất vào sử dụng đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi trước đó...
Quyết định phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh (đợt 1), cụ thể có 766 dự án, với tổng diện tích đất theo quy hoạch là hơn 1.852 ha; tổng diện tích đất dự kiến đấu giá gần 820 ha; tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu là hơn 19.500 tỷ đồng; số tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ các chi phí giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật là hơn 12.486 tỷ đồng.Trong đó, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa sẽ đấu giá 5 dự án dự thu 613 tỷ đồng. Thành phố Thanh Hóa sẽ đấu giá 31 dự án, dự thu 2118 tỷ đồng. Thành phố Sầm Sơn sẽ đấu giá 46 dự án dự thu 2846 tỷ đồng. Huyện Đông Sơn sẽ đấu giá 58 dự án, dự thu hơn 1900 tỷ đồng…
Trong năm 2023, Thanh Hóa dự kiến đưa 766 mặt bằng quy hoạch ra đấu giá, dự thu hơn 19.000 tỷ đồng.
Cũng trong kế hoạch đấu giá đất lần này tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa ra đấu giá một số dự án Khu nhà hỗn hợp E.HH thuộc Khu đô thị Đông Hải, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hoá (MBQH kèm theo Quyết định số 3375/QĐ-UBND ngày 05/9/2016 của UBND tỉnh) có diện tích 1,6ha và Dự án Khu nhà hỗn hợp B.HH thuộc Khu đô thị Đông Hải, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hoá (MBQH kèm theo Quyết định số 3375/QĐ-UBND ngày 05/9/2016 của UBND tỉnh) có diện tích 4,59ha...
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa: Khẩn trương tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các dự án theo quy định của pháp luật; Rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các nội dung khác có liên quan đối với từng dự án đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành mới được tổ chức đấu giá.
Lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá phải có kinh nghiệm, năng lực tốt; thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ để thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định hiện hành của pháp luật. Các đơn vị có tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất thực hiện ký văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2023 phải tổ chức đấu giá thành công, hoàn thành Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 đã được phê duyệt...
UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với 957 dự án (gồm dự án chuyển tiếp và dự án mới); tổng diện tích đất dự kiến đấu giá 1.042,2 ha; tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu được 25.040,5 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất thu được (sau khi trừ chi phí GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật) là 16.000 tỷ đồng. Được biết, năm 2022, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch. Trong năm đã thực hiện đấu giá 223 dự án với tổng diện tích đất 89,5 ha; tổng số tiền trúng đấu giá 6.794,4 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu triển khai đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2023, Sở TN&MT Thanh Hóa kiến nghị UBND tỉnh nhóm giải pháp. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các phòng ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương hoàn thành các bước theo quy định để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; Rà soát lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, lập mặt bằng quy hoạch chi tiết khu dân cư, công tác bồi thường GPMB và các nội dung khác có liên quan đối với từng dự án đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành mới được tổ chức đấu giá.
Người đứng đầu địa phương, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất chịu trách nhiệm giám sát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phạm vi của mình đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Đồng thời, lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá phải có kinh nghiệm, năng lực tốt và việc tổ chức thực hiện đấu giá phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Đức Trung
Bình luận