Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/07/2025 22:07
Thứ ba, 22/07/2025 13:07
TMO - Để phát triển bền vững, ngành hàng dừa Việt Nam cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng. Việc xây dựng bản đồ số vùng trồng dừa là cấp thiết nhằm khẳng định giá trị cây dừa và phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện diện tích trồng dừa cả nước khoảng 202 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch 181 nghìn ha, năng suất 125,6 tạ/ha, sản lượng 2,28 triệu tấn. Dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Canada,.... Hai thị trường lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đã chính thức mở cửa nhập khẩu chính ngạch, tạo động lực lớn cho ngành.
Việt Nam có 92 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa và hơn 500 doanh nghiệp thương mại với hơn 60 sản phẩm từ dừa Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự báo trong 5 năm tới, sẽ có thêm khoảng 30 doanh nghiệp chế biến sâu quy mô lớn, đưa Việt Nam lọt top 4 châu Á Thái Bình Dương và top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về công nghiệp dừa.
Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Dừa Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với hơn 20 giống dừa được canh tác theo hình thức vườn hộ. Tuy nhiên, do tập quán người dân thường tự ý đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, nên đã dẫn đến tình trạng giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra.
Ngành chế biến dừa còn thủ công, phần lớn gọt bằng tay để xuất khẩu, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics. Thương hiệu dừa Việt vẫn còn mờ nhạt so với các thị trường trong khu vực. Trong khi Thái Lan đã phát triển quy trình đóng gói tự động, chuẩn hóa nhãn mác thì phần lớn dừa Việt Nam vẫn được sơ chế thủ công.
Ngành hàng dừa cần khắc phục những hạn chế để phát huy lợi thế, nâng cao giá trị xuất khẩu (Ảnh minh họa).
Lợi thế của dừa Việt Nam nằm ở giống tự nhiên, mang hương vị đặc trưng được ưa chuộng tại Mỹ và Trung Quốc. Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Dừa Việt Nam để khai thác tối đa những lợi thế, ngành hàng dừa cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, kết nối nông dân với doanh nghiệp qua hợp đồng bao tiêu dài hạn Các địa phương cần phối hợp cùng hợp tác xã, doanh nghiệp để xác định và công nhận giống đầu dòng, hướng dẫn lai tạo giống đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng vùng sinh thái.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình chăm sóc và kiểm soát phân bón, tránh tình trạng thâm canh thiếu bền vững làm ảnh hưởng đến chất lượng nước dừa. Yếu tố này được xem là then chốt với mặt hàng dừa tươi. Mỗi giống dừa cần được định danh rõ ràng gắn với chỉ dẫn địa lý, thông tin chủ sở hữu giống và mã số vùng trồng.
Đáng chú ý, việc quản lý vùng trồng bằng công nghệ GIS là bước đi tất yếu để ngành dừa Việt Nam minh bạch từ sản xuất đến chế biến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế. Ứng dụng GIS giúp xác định chính xác vị trí từng vườn dừa, diện tích, mật độ, số lượng cây trồng thông qua bản đồ số, từ đó tạo lập cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ phục vụ cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.
Ngành hàng dừa cần được đầu tư vào logistics hiện đại và công nghệ chế biến sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian bảo quản – lợi thế cạnh tranh của dừa tươi. Việc mở rộng sang các thị trường mới như châu Âu và Trung Đông, cùng với việc bảo vệ thương hiệu thông qua truy xuất nguồn gốc, sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Philippines, nơi cạnh tranh ngày càng gay gắt.../.
Thu Hương
Bình luận