Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ hai, 01/05/2023 13:05
TMO - Phát triển chương trình OCOP được xem là nhiệm vụ trọng tâm nằm trong khuôn khổ Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Nam. Địa phương này đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương, từ đó thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển toàn diện.
Năm 2022, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả khá tốt. Đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 333 sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP (năm 2022, công nhận 73 sản phẩm), trong đó, có 275 sản phẩm hạng 3 sao, 58 sản phẩm hạng 4 sao, 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Năm 2022 Quảng Nam có thêm 111 sản phẩm thuộc nhiều nhóm ngành hàng tham gia Chương trình OCOP. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng năm qua UBND tỉnh vẫn phân bổ 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để các địa phương phát triển sản phẩm OCOP. Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao giai đoạn 2018 - 2022 là Tiên Phước (36 sản phẩm), Tam Kỳ (28 sản phẩm), Thăng Bình (26 sản phẩm), Điện Bàn (25 sản phẩm), Núi Thành (21 sản phẩm)...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP năm 2022 vẫn còn những mặt tồn tại nhất định, cần khắc phục: Công tác thông tin, tuyên truyền, tạo nhận thức chưa được thường xuyên; công tác chỉ đạo, triển khai ở một số địa phương chưa thật sự tập trung, quyết liệt; một số chủ thể đăng ký tham gia nhưng thiếu quyết tâm, bị động,...
Triển khai Chương trình OCOP , kinh tế nông thôn tại các địa phương được thúc đẩy phát triển, khai thác hiệu quả lợi thế.
Năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 110 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP năm 2023; tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch được duyệt.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý điều hành, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng phần mềm quản lý, lưu trữ các thiết bị nhằm số hoá công tác đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (laptop, màn hình, thiết bị phục vụ họp trực tuyến,…) tránh tình trạng hồ sơ văn bản giấy quá nhiều như phản ánh của địa phương và chủ thể OCOP. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát những sản phẩm tiềm năng 05 sao, xây dựng kế hoạch, kinh phí hỗ trợ cho chủ thể và thuê tư vấn có chuyên môn để giúp hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tham gia dự phân hạng 05 sao OCOP cấp Trung ương năm 2023 theo quy định.
Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Năm 2023, xây dựng Kế hoạch tổ chức ít nhất 03 Hội chợ chuyên về sản phẩm OCOP tại các thành phố lớn: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội; ít nhất 02 Hội chợ trong tỉnh tại Hội An và Tam Kỳ.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Ảnh: VH.
Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các địa phương, chủ thể OCOP các nội dung về phát triển thương hiệu; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (xây dựng và quản lý hệ thống chất lượng tiên tiến, đánh giá hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở); hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa; đăng ký mã số, mã vạch; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chỉ dẫn địa lý...
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng, miền; hướng dẫn đưa các giá trị văn hóa, đặc thù của địa phương vào các sản phẩm OCOP, để phát triển thành các sản phẩm đặc trưng của địa phương; quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch. Tư vấn, định hướng, hỗ trợ một số sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tích cực tham gia Chương trình OCOP; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm ngành du lịch đã được UBND tỉnh công nhận các hạng sao OCOP.
Tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, trong đó chú trọng các sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Đặc biệt, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.
Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định, đẹp, phù hợp; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng..
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tại khu vực nông thôn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; góp phần phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Từ những hiệu quả này, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Chương trình OCOP thời gian quan tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thứ nhất, chương trình góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Thứ hai, thông qua chương trình, nhiều địa phương quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thứ ba, chương trình thúc đẩy phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Đức Thắng
Bình luận