Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 14:02
Thứ bảy, 08/02/2025 16:02
TMO - Hướng tới mục tiêu hát triển nghề muối bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đầu tư áp dụng khoa học – công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với đường bờ biển dài hơn 105 km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió bốc hơi mạnh tạo điều kiện thuận lợi giúp diêm dân Ninh Thuận phát triển nghề muối. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2024, diện tích sản xuất muối của địa phương này là 3.059ha; trong đó diện tích muối công nghiệp 2.407ha, diện tích muối diêm dân 652ha.
Trong đó, sản lượng muối đạt trên 446.000 tấn, trong đó muối công nghiệp trên 246.000 tấn, còn lại là muối của diêm dân. Nghề làm muối ở Ninh Thuận hiện tập trung chủ yếu ở các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải); các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh (huyện Thuận Nam).
Trong năm 2024, ngành sản xuất muối tại Ninh Thuận đã giải quyết việc làm cho 2.960 lao động với 637 hộ làm muối. Với giá bán từ 800-1.200 đồng/kg đối với muối diêm dân và 1.200-1.400 đồng/kg đối với muối công nghiệp cùng với việc được địa phương hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật làm muối mới, nhiều diêm dân có thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó lâu dài với nghề sản xuất muối.
Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất muối trải bạt. Ảnh: PC.
Trước đây, nghề sản xuất muối của địa phương này vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công, tức là cho nước biển vào ruộng để kết tinh muối trên nền đất nên muối sau khi kết tinh sẽ rất nhiều tạp chất, chất lượng không cao. Do đó, để nâng cao chất lượng hạt muối kết tinh cũng như tăng năng suất, những năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất muối trải bạt, đồng thời tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ diêm dân chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng phương pháp làm muối kết tinh trên nền bạt.
Việc sản xuất muối trải bạt tuy vốn đầu tư ban đầu cao, nhưng lợi thế là thời gian phơi muối rút ngắn chỉ còn lại 5 ngày/lần thu hoạch, chất lượng hạt muối làm ra cao hơn do không lẫn tạp chất, đồng thời tiết kiệm được sức lao động khi áp dụng máy móc vào một số công đoạn trong sản xuất và thu hoạch.
Ông Trần Bình - Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ muối Khánh Nhơn (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, hợp tác xã vận động xã viên nâng cao chất lượng hạt muối qua mỗi vụ; đồng thời lên kế hoạch sản xuất ngay từ đầu vụ để luân phiên thu hoạch, đảm bảo sản lượng đầu ra. Hợp tác xã hiện có 13 thành viên đang liên kết sản xuất muối với diện tích 30 ha trên nền đất và trải bạt. Đồng thời, liên kết thu mua muối của các hộ dân bên ngoài nhằm giúp người dân địa phương có đầu ra ổn định để nâng cao thu nhập.
Tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh muối Phương Hải (xã Phương Hải, huyện Ninh Hải), để nâng cao chất lượng và sản lượng muối, các thành viên hợp tác không ngừng đổi mới kỹ thuật sản xuất; đồng thời lên kế hoạch chi tiết ngay từ đầu vụ và luân phiên thu hoạch giúp đảm bảo sản lượng đầu ra.
Với 60 hộ thành viên tham gia sản xuất 40 ha muối, mỗi tháng hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn. Bên cạnh sản phẩm muối hạt đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, hợp tác xã sản xuất đa dạng với 5 dòng muối gia vị, gồm muối ớt, muối tôm, muối sả, muối lá chanh, muối lá xào dông và dòng sản phẩm "Muối phong thủy".
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích sản xuất muối lên 3.267 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Ảnh: PC.
Mặc dù có nhiều lợi thế để sản xuất muối, nhưng ngành chế biến muối tại Ninh Thuận vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vùng nguyên liệu muối của cả nước. Phần lớn nguyên liệu muối được bán thô, sản phẩm muối chế biến của các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở mức chế biến đơn giản, lọc bỏ tạp chất, nghiền, xay, sấy, phun iốt… Ninh Thuận đang rất cần đa dạng sản phẩm chế biến sâu để tận dụng hết lợi thế sản xuất muối, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt muối cho diêm dân.
Thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích sản xuất muối lên 3.267 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm; trong đó diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 200 ha, sản lượng đạt 150.000 tấn; sản lượng muối chế biến đạt 100.000 tấn. Đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì ổn định tổng diện tích đất sản xuất muối với 3.267 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn/năm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt các mục tiêu đề ra, địa phương tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch; tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp...
Đối với sản xuất muối thủ công sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; hỗ trợ diêm dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh để mang lại năng suất, chất lượng cao. Các đơn vị chuyên môn nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ từ khâu cung cấp nước biển đến thu hoạch; đồng thời nghiên cứu các giải pháp sản xuất muối ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển giao vào sản xuất.
Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến muối, sản xuất hóa chất sau muối, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất muối; hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa về kỹ thuật, thiết bị và xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ.
Đồng thời, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm sau muối để mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích các địa phương bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, gắn với hoạt động du lịch tham quan, trải nghiệm sản xuất muối trên địa bàn.
Lê Phương
Bình luận