Hotline: 0941068156
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
Thứ tư, 26/03/2025 06:03
TMO - Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh trồng cây phân tán, cây có giá trị kinh tế cao đã mang lại nguồn thu ổn định cho người dân tại huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh).
Thông tin từ UBND huyện Bình Liêu, địa phương có hơn 34.600 ha diện tích đất lâm nghiệp chiếm 73,0 % diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Trong đó, rừng phòng hộ là hơn 14.500ha chiếm 41,88 %, rừng sản xuất là hơn 20.000ha chiếm 58,12 %. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, thông qua việc chuyển đổi các loại cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn, cây bản địa cho giá trị kinh tế cao, huyện Bình Liêu đã triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2025 với mục tiêu trồng trên 1.000ha, trong đó, rừng phòng hộ 40ha, còn lại là rừng sản xuất. Tính đến nay, toàn huyện đã trồng được khoảng trên 150ha, đạt 14,6% kế hoạch.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bình Liêu, cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị, tổ chức trồng rừng, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện nhằm nhanh chóng khôi phục lại những diện tích bị thiệt hại do cơn bão số 3 năm 2024, ổn định sản xuất, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng. Dự kiến, khoảng 30/6/2025 huyện Bình Liêu hoàn thành kế hoạch trồng rừng.
Đối với cây ghép, sau khi đánh giá về chất lượng và hiệu quả kinh tế so với cây truyền thống, huyện tích cực vận động người dân trồng, nâng diện tích hiện có. Đối với kế hoạch trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND, người dân thực hiện đăng ký trồng rừng và hiện các xã đã đăng ký khoảng trên 20ha. Song song với kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm nghiệp bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao, thông qua sản lượng lâm sản thu được, sản phẩm chế biến từ lâm sản, huyện Bình Liêu tiếp tục khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh du lịch trải nghiệm gắn với các loại cây bản địa.
Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3/2024 (cơn bão Yagi). Đặc biệt khoảng 120.000ha rừng đã bị thiệt hại từ 30-100%. Tại huyện Bình Liêu, bão Yagi đã gây thiệt hại trên 4.000 ha cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện.
Thực hiện mục tiêu nhanh chóng khắc phục diện tích rừng bị thiệt hại, khôi phục rừng sản xuất và rừng phòng hộ, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai ngay các chính sách hỗ trợ để khôi phục ngành lâm nghiệp. Trong đó, chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm, chú trọng đến công tác trồng lại rừng. Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt gần 32.000ha, gồm 2.724ha rừng phòng hộ và 29.123ha rừng sản xuất, đây là con số lớn vượt khoảng 300% so với năm 2024 và các năm trước đây.
Huyện Bình Liêu chú trọng trồng cây phán tán mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. (Ảnh: BAG).
Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong công tác phát triển, khôi phục sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau bão, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh cho biết, thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2025, đến nay với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn, tính đến tháng 2/2025, toàn tỉnh đã trồng được gần 800ha rừng tập trung với khoảng 80 vạn cây các loại như keo, lim, lát, giổi… Đơn vị tiếp tục tham mưu tỉnh triển khai công tác thẩm định, phê duyệt đối với các đơn vị đã hoàn thành hồ sơ báo cáo thiệt hại, nhanh chóng thẩm định ban hành quyết định để các đơn vị sớm thực hiện thanh lý, trồng lại rừng phòng hộ với khoảng 3.000ha.
Thực tế cho thấy, từ việc nhận thức được vai trò, hiệu quả của cây trồng phân tán có giá trị đối với phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức trồng rừng, bảo vệ môi trường của người dân Bình Liêu nói riêng và toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Để việc trồng và phát triển cây phân tán được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, các cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cây trồng phân tán tương tự như chính sách hỗ trợ trồng rừng tập trung; cây trồng trên đường phố, tại các nơi công cộng cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy cách của cây trồng cũng như trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, hưởng lợi cụ thể đối với loài cây trồng đó (đối với những loài có giá trị kinh tế lớn).
Việc phát triển lâm nghiệp bền vững ở Bình Liêu không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là hành trình xanh hóa, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường và kiến tạo cảnh quan thiên nhiên. Với những bước đi vững chắc và tầm nhìn chiến lược, Bình Liêu đang khẳng định vị thế là điểm sáng về phát triển kinh tế xanh, kinh tế rừng của tỉnh Quảng Ninh.
Lê Quân
Bình luận