Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ tư, 29/06/2022 12:06
TMO - Thời gian qua, hoạt động sản xuất trong nông nghiệp và tại các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn tại tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, các hoạt động trên đang gây ra tác động lớn đến chất lượng môi trường. Đòi hỏi địa phương này cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 38.500 ha đất canh tác nông nghiệp. Trung bình mỗi năm các địa phương trong tỉnh sử dụng trên 155 tấn thuốc hoá học phục vụ sản xuất. Trong số đó, lượng bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiếm 5-10%. Tại nhiều xã, số lượng rác thải nguy hại này được xử lý chủ yếu là chôn lấp hoặc tập kết ra bãi trung chuyển rác thải tập trung, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Công tác thu gom, xử lý bao bì, thuốc BVTV được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai (Ảnh minh họa)
Nhằm hạn chế những tác động môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; thành lập các tổ thu gom, vận chuyển vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên các cánh đồng về bể chứa.
Đồng thời, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân lắp đặt pano, áp phích hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng, thu gom, xử lý hóa chất BVTV và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng…
Trong thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí, tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải là bao bì thuốc BVTV. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các xã, phường, thị trấn chấm dứt ngay việc tự xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất nông nghiệp bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt không đúng quy định.
Công tác kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao được tỉnh chú trọng thực hiện. Ảnh: ĐT
Trong những năm qua thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều sản phẩm làng nghề đã xây dựng được thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động.
Cùng với công tác phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, tỉnh Hà Nam chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của các làng nghề, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tính đến tháng 12/2021 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 58 làng nghề được công nhận hoạt động, trong đó có 32 làng nghề truyền thống với tổng doanh thu đạt trên 989 tỷ đồng/năm, doanh thu của 26 làng nghề còn lại đạt trên 784 tỷ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GDP toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương.
Thực hiện Kế hoạch số 547/ KH-UBND của UBND tỉnh Hà Nam về công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ môi trường làng nghề.
Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống. Chú trọng xây dựng phương án bảo vệ môi trường đối với các làng nghề đã được công nhận. Đến nay có 13/58 làng nghề có phương án bảo vệ được UBND tỉnh, huyện, thị xã công nhận. Tại huyện Bình Lục có 4 làng nghề truyền thống, Lý Nhân có 7 làng nghề truyền thống và Duy Tiên có 2 làng nghề.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh còn chưa được đầu tư
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, hiện nay hầu hết các làng nghề chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung do còn thiếu kinh phí đầu tư. Vì thế, công tác bảo vệ môi trường làng nghề vẫn chưa phát huy hiệu quả tối đa.
Để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất tại các làng nghề, trong thời gian tới các cấp ngành địa phương tại tỉnh Hà Nam cần có giải pháp cụ thể như hỗ trợ, nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, kiểm tra, đánh giá các làng nghề có hoạt động gây ô nhiễm môi trường cao. Từ đó, để xuất xây dựng kế hoạch di dời vào khu tập trung nhằm cải thiện môi trường, hạn chế các hoạt động gây hại đến môi trường, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Hoạt động sản xuất trong nông nghiệp và tại các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn. Vì thế, cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, UBND tỉnh Hà Nam chú trọng tới công tác quản lý, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo "Không đánh đổi môi trường lấy sự tăng trưởng kinh tế" đã được quán triệt tại Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Phương Thoa
Bình luận