Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 03:01
Thứ hai, 10/07/2023 08:07
TMO - Dữ liệu vệ tinh mới của Chính phủ Brazil cho thấy, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm 33,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 6/2023, rừng Amazon được cảnh báo diện tích bao phủ đã giảm xuống 2.650 km2 (1.023 dặm vuông), từ 4.000 km2 trong cùng kỳ năm 2022 dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro. Dữ liệu của năm nay bao gồm mức giảm 41% trong các cảnh báo cho tháng 6, đánh dấu sự bắt đầu của mùa khô khi nạn phá rừng có xu hướng tăng vọt.
Thư ký điều hành của Bộ Môi trường Brazil João Paulo Capobianco lưu ý rằng kết quả cả năm sẽ phụ thuộc vào một vài tháng đầy thử thách phía trước. Tuy nhiên, dữ liệu là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với Tổng thống Lula, người đã vận động tranh cử vào năm 2022 với cam kết kiềm chế hoạt động khai thác gỗ trái phép và khắc phục tình trạng tàn phá môi trường diễn ra trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bolsonaro.
Nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm 33,6% trong 6 tháng đầu năm 2023 (Ảnh minh họa).
Cơ quan môi trường liên bang của Brazil Ibama cũng đã tăng cường giám sát từ xa, nơi nạn phá rừng được phát hiện thông qua hình ảnh vệ tinh. Bằng cách tham chiếu chéo với hồ sơ đất đai, có thể xác định chủ sở hữu của khu vực trong nhiều trường hợp, dẫn đến lệnh cấm vận, hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay tài chính và áp đặt các biện pháp trừng phạt khác.
Vừa qua, các quốc gia thuộc lưu vực sông Amazon đã tham dự hội nghị cấp cao tại Colombia nhằm đề ra chiến lược cứu khu rừng nhiệt đới lớn nhất và đa dạng sinh học nhất thế giới. Tại sự kiện này, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Colombia đã thảo luận việc hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn nạn phá rừng cũng như bảo vệ rừng Amazon.
Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh rằng chính phủ nước này cam kết "xóa sổ" nạn phá rừng trái phép vào năm 2030, đồng thời cho rằng đây là một cam kết mà các quốc gia trong lưu vực Amazon có thể cùng nhau đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở thành phố Belem của Brazil.
Rừng nhiệt đới Amazon được ví là "lá phổi xanh của Trái Đất" do hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) đang khiến Trái Đất ấm lên và nhả khí oxy cần cho sự sống. Chính vì vậy, vai trò bảo vệ rừng Amazon của các quốc gia thuộc lưu vực Amazon có ý nghĩa sống còn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Minh Tâm
Bình luận