Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 29/06/2024 12:06
TMO - Các nhà nghiên cứu Nam Phi đưa đồng vị phóng xạ số lượng nhỏ vào sừng tê giác để có thể phát hiện được bằng các máy giám sát phóng xạ tại biên giới, cảng biển, cửa khẩu và sân bay.
Các nhà nghiên cứu Nam Phi đã thực hiện thành công việc đưa đồng vị phóng xạ liều thấp vào cơ thể 20 con tê giác sống trong một nghiên cứu kéo dài sáu tháng để ngăn chặn nạn săn trộm. Nhà khoa học James Larkin tại Khoa Vật lý Y tế và Phóng xạ thuộc Đại học Witwatersrand của Nam Phi cho biết, mục đích của dự án Rhisotope là sử dụng công nghệ hạt nhân theo hình thức đưa các đồng vị phóng xạ số lượng nhỏ, có thể đo được, vào sừng tê giác để có thể phát hiện được bằng các máy giám sát phóng xạ tại biên giới, cảng biển, sân bay và cửa khẩu.
Bắt đầu từ ngày 24/6, nhà khoa học Larkin và một nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn tê giác, đã tiến hành tiêm thuốc an thần cho 20 con tê giác và khoan một lỗ nhỏ ở sừng của chúng để đưa vào các đồng vị phóng xạ không độc. Hiện tại, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ số tê giác này 24/24 giờ trong sáu tháng tới để xác định tính khả thi của phương pháp này.
Ảnh minh họa.
Theo nhà nghiên cứu Larkin, phương pháp này không gây hại động vật trong khi giúp ngăn chặn nạn săn trộm tê giác. Các chuyên gia thú y theo dõi chặt chẽ mỗi lượng đồng vị phóng xạ đưa vào và áp dụng các biện pháp chăm sóc đặc biệt để ngăn mọi tác hại đối với động vật.
Sau nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà nghiên cứu bảo đảm rằng các đồng vị phóng xạ đưa vào không gây bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe hay nguy cơ nào khác đối với động vật hoặc những người chăm sóc chúng. Sẽ có hơn 11.000 máy giám sát phóng xạ được lắp đặt tại các sân bay, bến cảng và cửa khẩu để thực hiện dự án này.
Nhà khoa học Larkin nhấn mạnh mục đích của dự án là giảm giá trị của sừng tê giác đối với những người mua hoặc bán, đồng thời nhà chức trách dễ phát hiện khi sừng tê giác bị vận chuyển lậu qua biên giới. Trong khi đó, nhà khoa học Lynn Morris, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo tại Đại học Witwatersrand cho biết, nghiên cứu này được thực hiện với hy vọng tạo ra khác biệt thực sự, qua đó ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng loài động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là ở Nam Phi cũng như trên toàn châu lục.
Theo các nhà nghiên cứu, việc phát triển và áp dụng công nghệ hạt nhân của dự án Rhisotope có thể giúp ngăn chặn nạn săn trộm, tăng khả năng phát hiện sừng tê giác bị buôn bán, truy tố, phát hiện các tuyến buôn bán sừng tê giác và ngăn chặn các thị trường mua bán sừng tê giác. Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng sang voi, tê tê và các loài động thực vật khác.
Thảo Trang
Bình luận