Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Chủ nhật, 17/04/2022 06:04
TMO - Hàng chục nghìn người không có nơi ở, nước và điện sau khi lũ quét cuốn trôi nhà cửa, đường sá và làm gần 400 người thiệt mạng ở tỉnh Kwazulu-Natal trước trận lũ lịch sử chưa từng thấy trong vòng 60 năm qua tại Nam Phi.
Lũ lụt ở tỉnh duyên hải Kwazulu-Natal đã làm sập các cột điện, gây tê liệt các dịch vụ cấp nước và làm gián đoạn hoạt động tại cảng biển Durban - một trong những cảng biển tấp nập nhất của châu Phi. Số liệu chính thức công bố ngày 15/4 cho thấy số người thiệt mạng do lũ lụt tại nước này đã tăng lên 395 và khoảng 41.000 người bị ảnh hưởng.
Những trận mưa lớn chưa từng thấy trong 60 năm qua gây sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng ở miền nam Nam Phi. Ảnh: Guardian
Tổng thống Nam Cyril Ramaphosa ngày 15/4 kêu gọi người dân cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lũ lụt. Theo Nhà lãnh đạo Nam Phi, trận lũ là thảm họa trên quy mô lớn chưa từng thấy ở nước này bởi đã cướp đi rất nhiều sinh mạng và thiệt hại ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Các nhà vận động gây quỹ vì môi trường, khí hậu tại địa phương đang kêu gọi đầu tư lớn hơn để giúp cộng đồng ứng phó tốt hơn với thiên tai.
Giới khoa học cho rằng khu vực bờ biển Đông Nam châu Phi đang dễ bị tổn thương hơn trước các cơn bão lớn và lũ lụt tàn khốc do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng kéo theo nhiệt độ Ấn Độ Dương ấm lên. Các nhà khoa học dự đoán xu hướng này sẽ xấu đi đáng kể trong những thập kỷ tới.
Cơ sở hạ tầng bị mưa lũ phá hủy tại tỉnh Kwazulu-Natal, miền đông Nam Phi ngày 13/4. Ảnh: CNN
Các chuyên gia thời tiết dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục xấu đi đáng kể trong những thập kỷ tới. Vì vậy, các nhà hoạt động vì khí hậu trong khu vực đang tích cực kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa, nhằm giúp đỡ các cộng đồng địa phương ứng phó tốt hơn trước tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được các nước ký kết năm 2015 đã kêu gọi hạn chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất dưới ngưỡng 2 độ C và lý tưởng nhất là ở mức 1,5 độ C. Báo cáo công bố trước đó hồi tháng 8/2021 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy nhiệt độ bề mặt Trái đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thế kỷ 19 đến nay.
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khí hậu dường như là khó tránh khỏi và con người sẽ phải thích ứng để vượt qua những thách thức sắp tới, cũng như bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất.
Thu Hoài
Bình luận