Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 02/05/2025 22:05
Thứ sáu, 02/05/2025 06:05
TMO - Trước diễn biến bất lợi của thời tiết và sự phát sinh nhanh của sâu bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đang tập trung triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả nhằm bảo vệ diện tích lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.
Theo kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2025, tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 70.200 ha lúa, chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, LP5, TBR225, BC15, TBR87, TBR97, Hương cốm 4, Đài thơm 8, ST24, ST25 và một số giống lúa lai như CT16, Nhị ưu 838, TX111, Lai thơm 6, Phúc Thái 168. Hiện nay, các trà lúa xuân đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng; lúa đại trà đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, phân hóa đòng.
Do đó, các địa phương đang tập trung phân công cán bộ bám đồng kiểm tra để kịp thời khuyến cáo nông dân biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả, bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường): Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa, mật độ phổ biến 0,1-0,3 con/m2, nơi cao 1-3 con/m2, cục bộ 5-7 con/m2; mật độ trứng nơi cao 30-50 quả/m2, cục bộ 70-100 quả/m2.
Dự báo, mật độ trứng và sâu non sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới; sâu non lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 1 đến 7/5. Sâu ra rải lứa kéo dài, mật độ sâu phổ biến 20-50 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, cục bộ có ruộng hơn 300 con/m2; mật độ sâu tương đương trung bình nhiều năm và gây hại trên diện rộng lúa đại trà.
Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ xuân, hại trực tiếp bộ lá đòng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ ngày 30/4 đến 8/5, mật độ phổ biến 200-500 con/m2, nơi cao 2.000-3.000 con/m2, cục bộ trên 3.000 con/m2. Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện cục bộ trên giống nhiễm như Nếp, BC15, Đài thơm 8, TBR225, Bắc thơm 7...; tỷ lệ bệnh nơi cao 5-10%, cục bộ 15-20%; mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước.
Nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây lùn lụi lúa trong những ngày tới; đồng thời bệnh khô vằn và nạn chuột sẽ tiếp tục bùng phát, gây hại trên diện rộng. Trên cơ sở dự tính, dự báo của cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động triển khai tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo nông dân các biện pháp phun phòng trừ kịp thời hiệu quả.
Để bảo đảm phòng, trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, phát huy tác dụng của thuốc, công tác phun trừ được các HTX triển khai đồng loạt, việc phun được thực hiện vào thời điểm thích hợp, hạn chế tối đa phun thuốc gặp trời mưa. Theo chia sẻ của Đại diện HTX Dịch vụ Bốn Thuận, xã Hiển Khánh (huyện Vụ Bản) cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của huyện, xã và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của HTX luôn bám sát đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến sâu bệnh để hỗ trợ xã viên thực hiện đúng kỹ thuật.
Đặc biệt, HTX khuyến khích các hộ dân sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, nâng cao hiệu quả phun trừ và bảo vệ môi trường. Không chỉ sâu đục thân, bệnh đạo ôn cũng đang có nguy cơ lây lan nhanh trên các giống lúa như BC15, TBR225, nếp các loại...
Phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa. (Ảnh: BTB).
HTX yêu cầu các hộ dân kiểm tra đồng ruộng thường xuyên và phun thuốc theo đúng khuyến cáo khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện từ 3-5%. HTX cũng tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, lịch phun, thời gian cách ly sau phun nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và lúa xuân. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để bảo vệ an toàn lúa vụ xuân 2025, Chi cục đề nghị UBND, cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp.
Lưu ý không bón phân urê khi lúa ôm đòng - sắp trỗ nhằm giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn... Tập trung phun trừ bệnh đạo ôn lá khi chớm xuất hiện và diện tích đã phun nhưng vẫn còn vết bệnh cấp tính.
Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa trỗ 3-5% số bông (ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) cho các giống nhiễm như: BC15, Nếp, Khang Dân 18, TBR225, QR1, Q5, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Phúc Thái 168... đặc biệt là trà lúa trỗ bông trước ngày 15/5 và những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, khi lúa trỗ gặp mưa. Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole, hoạt chất khác, không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn do hiệu lực phòng trừ kém. Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ ngày 1 đến 7/5/2025 cho những diện tích lúa có mật độ sâu trên 20 con/m2.
Sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb, hoạt chất khác). Sau 5 ngày phun thuốc, kiểm tra nếu mật độ sâu còn sống trên 50 con/m2 cần phải phun lại. Kết hợp phun trừ rầy lứa 2 cho những diện tích có mật độ rầy trên 30 con/khóm (1.000 con/m2); sử dụng thuốc có hoạt chất Nitenpyram, Pymetrozin, hoạt chất khác như: Amira 25WP, Midan 10WP, Sectox 100WP... Sau 3 ngày phun thuốc, nếu mật độ rầy còn trên 30 con/khóm (1.000 con/m2) phải phun lại. Phun trừ bệnh khô vằn cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện; sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron, hoạt chất Hexaconazole, hoạt chất khác. Bà con nông dân cần lưu ý, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng thời điểm có thể phối hợp các loại thuốc nhưng phải giữ nguyên nồng độ của mỗi loại.
Đáng chú ý, vụ xuân năm 2025, gần 15% diện tích lúa của Nam Định được nông dân áp dụng phương pháp cấy máy - mạ khay, tăng hơn 5% so với vụ Xuân năm 2024. Phương pháp này giúp tiết kiệm công lao động, đảm bảo mật độ cấy đồng đều, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa.
Đẩy mạnh việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ lúa xuân giúp hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ năng suất và chất lượng lúa, đồng thời giảm chi phí sản xuất nhờ phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra, đây cũng là bước thể hiện sự chuyển dịch tích cực trong tư duy canh tác từ bị động sang chủ động, từ đơn lẻ sang đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại trên đồng ruộng của toàn tỉnh Nam Định.
Mai Trang
Bình luận