Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 22:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Na Hang: Hương sắc nơi đại ngàn

Thứ ba, 27/12/2022 08:12

TMO - Xuân về, Tuyên Quang khoác lên mình một màu áo mới, trời đã thôi những đợt rét căm căm, đất cũng bớt đi màu khô cằn xám xịt. Đọng lại sau tất cả là bức tranh đầy ảo cảnh của đất và người nơi đại ngàn, có sương khói dập dìu trên những ngọn núi xa xa, có làn gió phơn phớt lạnh, đủ để người ta cảm nhận được dư vị của ngày Tết đang cận kề. Cảnh sắc thơ mộng, bình yên cùng những giá trị văn hóa đặc sắc của hơn 20 dân tộc em cư trú lâu đời biến nơi đây thành chất men làm say đắm lòng người.

Hồ thủy điện Tuyên Quang điểm đến yêu thích của du khách 

Sắc hương đất trời

Trong những chuyến về với mảnh đất Tuyên Quang từ trước tới giờ, có chuyến đi từ Hà Nội qua Thái Nguyên; có chuyến đi đường cao tốc qua Phú Thọ; có chuyến băng qua Chợ Đồn, Ba Bể của Bắc Kạn; thậm chí có lần tôi còn được lênh đênh trên mặt hồ từ Bắc Mê của Hà Giang sang đất Tuyên Quang, chiêm ngưỡng Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình - một danh thắng quốc gia đặc biệt được công nhận vào đầu năm 2019. Đến đây với đủ mọi hướng, nhưng tôi vẫn thấy Na Hang, Lâm Bình là hai huyện quyến rũ nhất, gợi cảm nhất.

Lần này cũng vậy, từ Hà Nội vượt gần 250 km với những cung đường đèo, cua, uốn lượn tìm về xã Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang), điều đầu tiên khi vừa đặt chân đến nơi đây là tận hưởng hương vị nguyên bản chè Shan tuyết cổ thụ - một loại chè nổi tiếng của huyện Na Hang. Nơi đây, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh vật nên thơ cùng núi non trùng điệp, hùng vĩ bên sóng nước hồ thủy điện tô điểm cho bức tranh thủy mặc hấp dẫn lòng người. Cái cảm giác ấm lòng khách đường xa khi chúng tôi mới đặt chân đến đây vào lúc nửa đêm và thưởng thức một ấm chè Shan tuyết chính hiệu giữa không gian bảng lảng sương khói, mây mù.

Đồng bào Dao Tiền ở xã Hồng Thái, bằng đôi tay khéo léo, cần cù đã thêu, tạc giữa đất trời những bức họa ruộng bậc thang tuyệt đẹp 

Sáng sớm, nắng vừa lên. Nắng xuyên qua những cành Lê - thứ cây đặc sản riêng có của xã Hồng Thái, huyện Na Hang đang sắp vào độ nở hoa, kết trái, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Hồng Thái là “thủ phủ” của những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, vắt ngang những sườn núi sương giăng bốn mùa. Cả một rải ruộng bậc thang xã vùng cao Hồng Thái như những nét vẽ của bức họa thiên nhiên kỳ vỹ, nơi đây được đánh giá là một trong những danh thắng bậc thang vào loại đẹp nhất huyện, được đánh giá là một “công trình lao động sáng tạo vĩ đại” của người Dao Tiền. Với những ưu đãi tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc, hệ thống ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang đang được tỉnh Tuyên Quang xây dựng thành sản phẩm du lịch mới của địa phương.

Đất đai ở Hồng Thái chủ yếu là đất đồi, chất đất khô, cảm giác như không có cây gì sống tốt được. Ấy thế mà nơi đây lại có rất nhiều cây trồng đặc trưng như chè Shan tuyết, Lê Hồng Thái đến các loại rau củ quả... Đây chính là yếu tố “thiên thời, địa lợi” bởi, Hồng Thái nằm ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Đến với Hồng Thái mùa nào cũng có của ngon, vật lạ làm say lòng người.  

Trong năm qua nhờ biết tận dụng tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc. Xã Hồng Thái (xã vùng cao của huyện Na Hang) đã đón trên 20.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nhờ đó mà đời sống của bà con nơi đây ngày càng phát triển.

Sắc màu văn hóa các dân tộc

Trong tiến trình hội nhập và phát triển, Na Hang vẫn giữ được đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao. Từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống… là sự khác biệt độc đáo hấp dẫn du khách đến với vùng non cao hùng vĩ. Công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng, huyện Na Hang đã khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Hương sắc hoa Lê Hồng Thái

Phát huy lợi thế này, hằng năm, huyện Na Hang đã tổ chức nhiều lễ hội đậm đà màu sắc riêng biệt. Đó là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Na Hang, Lễ hội Mùa vàng Hồng Thái, Lễ hội Lồng tông, Hội nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ, Lễ cấp sắc, Lễ tơ hồng, Lễ rước dâu của người Dao trong trang phục thổ cẩm độc đáo... Mỗi lễ hội có một ý nghĩa, nét đẹp văn hóa độc đáo khác nhau, song đều thể hiện khát vọng của người dân cầu trời đất, các bậc thánh thần, tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, làm ăn ngày càng phát đạt, bản làng yên vui, hạnh phúc.

Trong ẩm thực, Na Hang còn hấp dẫn khách du lịch bởi những món ăn thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của một vùng như lẩu cá lăng, cá nheo, thịt trâu, bò khô, xôi, mì ngũ sắc, các loại rau rừng khá lạ lẫm như rau dớn, rau dạ hay những thức uống độc đáo, riêng có của vùng đất này là rượu ngô men lá Sơn Phú, rượu đao.

Sát dưới chân những ngọn núi là thấp thoáng mái cọ của những ngôi nhà sàn, màu mới, cũ xen lẫn và ẩn dưới những tán cọ xanh. Chiều về, những làn khói mỏng lãng đãng bay lên từ trên những mái nhà sàn. Sát bờ suối là những những chiếc Cọn nước. Chiếc Cọn tre như những chiếc đu quay, nó cần mẫn, kẽo kẹt múc từng gàu nước nhỏ ở dưới dòng suối và đổ ào lên những thửa ruộng trên hoặc đổ vào mương chảy đến các ruộng lớn nhỏ xa gần.

Những bản làng người Tày bình yên đến lạ. Không giống với phương cách sống du canh du cư của một số dân tộc thiểu số khác, người Tày nơi đây luôn có tư tưởng ổn định về nơi ở, từ đó mới tính chuyện làm nương trồng ngô, lúa. Từ quan niệm đó, đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hoá kiến trúc nhà sàn. Thuở xa xưa, rừng còn nhiều thú dữ, làm nhà sàn là cách tốt nhất để bảo vệ con người khỏi các loại thú ăn thịt. Ngôi nhà của người Tày không chỉ là nơi cư ngụ truyền đời của gia đình, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, như: thờ cúng tổ tiên, các hình thức diễn xướng dân gian như hát giao duyên trong đám cưới, vào những dịp lễ hội, ngày tết cổ truyền, múa dệt cửi…

Dệt thổ cẩm được làm thủ công, nếu đa dạng mẫu mã sản phẩm sẽ làm điểm nhấn trong du lịch Na Hang 

Nhắc đến người Tày ở Na Hang thường sẽ gắn liền với nghề dệt thổ cẩm. Theo quan niệm ngày xưa, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề mà còn là tiêu chí để đánh giá một người phụ nữ. Bên cạnh công việc đồng áng, người phụ nữ còn phải biết se tơ, dệt vải để phục vụ gia đình và làm của hồi môn khi đi lấy chồng. 

Xã Thượng Nông hiện có gần 1.000 hộ dân, trong đó 70% là người dân tộc Tày sinh sống. Người Tày ở Thượng Nông hiện vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thiếu nữ Tày 13 - 14 tuổi đã được dạy se sợi, dệt vải, may quần áo, chăn màn dùng hằng ngày và chuẩn bị để đem theo lúc về nhà chồng… Để giữ nghề, Hội LHPN xã đã mở các lớp truyền dạy nghề dệt vải cho lớp trẻ. Toàn xã có 10 Câu lạc bộ dệt thổ cẩm và hát Then được thành lập.

Người Tày ở Yên Hoa có truyền thống chuẩn bị chăn gối thổ cẩm cho con gái đi lấy chồng làm của hồi môn để khoe với nhà chồng sự khéo léo, đảm đang của cô dâu. Bà Hà Thị Hiền, thôn Bản Thác cho biết, con gái Tày ở Na Hang được mẹ truyền dạy cho nghề dệt vải từ năm 13, 14 tuổi. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị ít nhất chục bộ chăn, màn do tự tay mình dệt để thể hiện sự khéo léo của cô dâu và cũng là cách báo hiếu với cha mẹ, anh chị bên nhà chồng. Ngày nay, nghề trồng bông, kéo sợi không còn nhiều, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá không cao, không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ đỡ vất vả hơn.

Núi Pắc Tạ - biểu tượng của huyện Na Hang 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu từng bước xây dựng Na Hang trở thành trung tâm các huyện vùng cao của tỉnh. Để làm được điều này, hiện nay UBND huyện Na Hang đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch để đưa nghề dệt thổ cẩm lên vị thế mới trong du lịch của huyện. Trước mắt, đó là mở các lớp học nghề dệt, xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, lễ hội lớn trong và ngoài nước.

Mùa xuân mới lại về trên non cao Na Hang. Không khí Tết hiện hữu khắp bản, làng. Người dân nơi đây lại nô nức chuẩn bị quần áo xúng xính đi trẩy hội đầu xuân. Mỗi mùa xuân mới, Na Hang lại thêm một mùa đổi thay, đường xá khang trang hơn, sạch đẹp hơn, trong mỗi hộ gia đình lại thêm một mùa ấm no, hạnh phúc.

Rời Na Hang, hương xuân còn đong đầy trên những cung đường và những vạt nắng vàng ươm rải đều trên các triền rừng, mặt hồ, khiến nước đang trong xanh bỗng phảng phất thêm chút màu của nắng, những bản làng của các dân tộc nhộn nhịp hơn bao giờ hết, những làn khói mỏng lãng đãng bay lên từ trên những mái nhà. Thiên nhiên Na Hang chìm trong hương sắc của một mùa xuân mới nhưng cũng bình dị, thân thương cứ ngọt ngào, khiến người ta phải nao nao trong lòng và rong ruổi trên từng cung đường, mang niềm vui đến những thôn làng xa xôi. Đi trong mùa xuân ta như nghe lời thì thầm của đất trời, thấy trong lòng những niềm cảm xúc thật khó tả, khiến ta như hoà vào không gian khoáng đãng và háo hức có những chuyến đi chiêm ngưỡng về đất và người phía đại ngàn.

 

 

Tạ Thành

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline