Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ hai, 07/03/2022 09:03
TMO - Theo thống kê trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Cách đây hai năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và một số đơn vị đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa) nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trong suốt 2 năm qua, Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã triển khai các hoạt động và đạt được những thành quả tích cực. Theo đó, các thành viên của Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã hợp tác dài hạn với các đơn vị triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa.
Mục tiêu "đến năm 2025 Việt Nam không thải rác thải nhựa" liệu có khả thi?
Đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa. Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật - giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được các thành viên Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa nghiên cứu và ứng dụng với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế, như: biến rác thải nhựa thành “Đường nhựa tái chế”, sản xuất bao bì 100% có thể tái chế…
Từ những bước tiến lạc quan trong 2 năm qua, Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa tiếp tục đề ra lộ trình trong những năm tới, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025.
Theo giới chuyên gia, việc thành lập và phát triển nhóm Hợp tác công - tư tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam. Đây là một diễn đàn thiết thực giúp Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các sáng kiến, thảo luận mang tính thực tiễn cao, đồng thời nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối tư nhân đang gặp phải để hỗ trợ và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường, từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về ‘0’ vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow.
Tú Quyên
Bình luận