Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ sáu, 18/11/2022 15:11
TMO – Giới chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng xanh và bền vững là cần thiết không chỉ để đạt được tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao các khía cạnh quan trọng như y tế và giáo dục trong cuộc sống của người dân.
COP27 là niềm hy vọng trước mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Đối với nhiều người, khủng hoảng khí hậu không phải xảy ra ở tương lai mà là thực tế đang diễn ra. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia, vốn đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi xanh đang vận động để sớm chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải. Các chuyên gia cho rằng, các nước cần sẵn sàng hợp tác ứng phó với cuộc khủng hoảng như cùng nhau giảm khí thải nhà kính và giải quyết các vấn đề tài chính. Nếu không đẩy nhanh quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà các nước đã cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Các quốc gia cần phải có trách nhiệm chuyển đổi năng lượng.
Giới chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng xanh và bền vững là cần thiết không chỉ để đạt được tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao các khía cạnh quan trọng như y tế và giáo dục trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các cam kết tài chính dành cho chuyển đổi năng lượng vẫn còn khiêm tốn.
Các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD hằng năm để tài trợ cho quá trình chuyển đổi ngành năng lượng và cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng cho 600 triệu người châu Phi. Khoản chi này lớn gấp 10 lần số tiền cam kết tại Copenhagen nhằm tài trợ cho hành động khí hậu tại các nước đang phát triển, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 7 trong số 23 quốc gia phát triển đã hoàn thành cam kết của mình. 80% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong năm ngoái là dành cho năng lượng tái tạo, tuy nhiên, đóng góp của lĩnh vực này vào sản xuất năng lượng toàn cầu không vượt quá 5%.
Chuyển đổi năng lượng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, các quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ cam kết và hành động trong lĩnh vực quan trọng này. Năng lượng truyền thống đang dần phải nhường chỗ cho năng lượng tái tạo, song để đạt được các mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 là thách thức không nhỏ. Thế giới cần hơn bao giờ hết sự đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và nhiều hơn cam kết từ các nhà tài trợ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Lan Hương
Bình luận