Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Chủ nhật, 29/01/2023 06:01
TMO - Mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao sản lượng, phát triển chế biến nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, nhằm phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên trong phát triển và bảo tồn cây trồng có giá trị này.
Lâm Đồng có 3 vùng khí hậu gồm độ cao dưới 500m, độ cao từ 500 - 1.000 m và trên 1.000 m so với mực nước biển. Các vùng vùng này đều phù hợp để sản xuất các loại cây dược liệu khác nhau và chính điều này tạo ra sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên rừng Lâm Đồng cũng rất phong phú với 513 nghìn ha đất có rừng nên tỉnh có tiềm năng trong việc phát triển dược liệu dưới tán rừng. Trong tự nhiên Lâm Đồng có 283 họ, 2.291 loài dược liệu được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có 55 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng liên ô rô, lan gấm, thông đỏ...
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, tính đến năm 2022 toàn tỉnh có 548ha cây dược liệu. Tổng sản lượng dược liệu hiện nay đạt khoảng gần 10 nghìn tấn. Cây dược liệu ở Lâm Đồng hiện không chỉ được trồng trên đất nông nghiệp mà còn được trồng nhiều dưới tán rừng ở cả 12 huyện, thành phố. Trong đó, tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương phát triển mạnh cây atiso; cây đương quy được trồng tại các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông; huyện Cát Tiên, Di Linh phát triển diệp hạ châu… Các loại dược liệu khác như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, đảng sâm, bồ công anh, tam thất, trà hoa vàng, thạch tùng răng cưa… được nhiều nông hộ ở khắp các huyện, thành phố của tỉnh sản xuất.
Tính đến năm 2022 toàn tỉnh có 548ha cây dược liệu với các cây trồng chính như atiso; cây đương quy; nấm linh chi...
Việc sản xuất cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số cây nông nghiệp truyền thống. Theo thống kê và đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất actiso đạt lợi nhuận gần 600 triệu đồng/ha/năm; sản xuất nấm linh chi cho lợi nhuận 665 triệu đồng/ha/năm; nấm đông trùng hạ thảo cho lợi nhuận 810 triệu đồng/ha/năm; đảng sâm cho lợi nhuận 330 triệu đồng/ha/năm…
Để khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đề án Phát triển vùng sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu giai đoạn 2022-2025. Trong đó, địa phương này hướng đến mục tiêu phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, đóng góp khoảng 2-3% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế rừng góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.
Cụ thể, bảo tồn gắn với khai thác bền vững 24 loài dược liệu bản địa, đặc hữu trong tự nhiên, trên quy mô khoảng 1.250 ha rừng. Diện tích sản xuất dược liệu toàn tỉnh đạt 2.000 ha, diện tích sản xuất, thu hái dược liệu được chứng nhận GACP chiếm 50%; giá trị sản xuất bình quân 1 ha dược liệu đạt khoảng 800-850 triệu đồng/ha. Hàng năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh; có tối thiểu 80% sản lượng dược liệu được sơ chế, chế biến; trong đó: có 50% được tinh chế; hình thành tối thiểu 05 chuỗi giá trị dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu; 30% dược liệu qua chế biến được chứng nhận GMP. Phát triển thêm 15-20 sản phẩm dược liệu được chứng nhận OCOP, trong đó có 3-5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao và trên 05 sản phẩm thực phẩm chức năng từ dược liệu được công nhận.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện bảo tồn, khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên: Khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm, nằm trong danh mục cân bảo vệ trong vùng rừng đặc dụng, Vườn quốc gia; bảo tồn và trồng bổ sung khoảng 20 loại dược liệu tại 07 vùng sinh thái với quy mô 7.500 ha. Bảo tồn ngoại vi khoảng 08 giống dược liệu làm vật liệu phục vụ cho công tác chọn giống, trồng bổ sung tại các khu vực bảo tồn và kinh doanh giống thương mại, quy mô khoảng 03 ha.
Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch phát triển dược liệu dưới tán rừng: Phát triển 1.000 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với sản lượng khoảng 650 tấn; hình thức trồng dưới tán và trồng xen kẽ tại các quỹ đất trống nhỏ lẻ, manh mún trong rừng, chân đồi, ven sông suối thuộc quỹ đất lâm nghiệp, trong đó: Dưới tán rừng lá rộng, rừng hỗn giao lá rộng lá kim khoảng 678 ha với các loài chính là Sâm Ngọc Linh, đinh lăng, chè dây, trà hoa vàng, hà thủ ô đỏ... Dưới tán rừng lá kim khoảng 322 ha, với các loài chính là thông đỏ, hoàng liên ô rô, đảng sâm, thanh mai...
Đồng thời phát triển dược liệu trên đất nông nghiệp, đất khác: Tập trung phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trồng trên đất nông nghiệp (trồng thuần 762 ha, trồng xen 238 ha), nâng tổng diện tích trồng dược liệu trên đất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 1.000 ha, sản lượng đạt trên 27.000 tấn (tăng gấp đôi so với năm 2020); một số loài dược liệu chính tập trung phát triển quy mô lớn gồm:
Atiso: diện tích khoảng 420 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm và có khoảng 300 ha được chứng nhận GACP; tập trung cải tạo các giống hiện có (A80, A85), tiếp tục nhập nội, khảo nghiệm một số giống mới nhằm cải thiện tình trạng thoái hóa giống hiện nay và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Đương quy: diện tích khoảng 190 ha, sản lượng trên 3.200 tấn/năm và có khoảng 70 ha đạt chứng nhận GACP; triển khai nghiên cứu, sản xuất các giống đương quy trong nước để thay thế dần việc phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu, ổn định sản xuất.
Đảng sâm: diện tích khoảng 33 ha, sản lượng trên 460 tấn/năm và có khoảng 10 ha đạt chứng nhận GACP. Diệp hạ châu: diện tích khoảng 52 ha, sản lượng đạt trên 470 tấn và có khoảng 20 ha đạt chứng nhận GACP. Nấm linh chi: diện tích khoảng 4,5 ha (tương đương 3,6 triệu phôi/vụ), sản lượng đạt trên 11 tấn/năm gắn với các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp chế biến. Nấm đông trùng hạ thảo: diện tích khoảng 2 ha (tương đương 1,5 triệu hộp giá thể), sản lượng đạt trên 300-400 kg/năm với hàm lượng dược tính cao. Sâm Ngọc Linh: diện tích đạt khoảng 10 ha tại khu vực Đà Lạt, Lạc Dương.
Các loại dược liệu được trồng xen kẽ với cây trồng sản xuất trên đất nông nghiệp.
Ngoài ra, địa phương này chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất dược liệu: Xây dựng, hoàn thiện 15 quy trình trồng dược liệu phù hợp với từng vùng và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân (bao gồm các quy trình trồng tập trung trên đất nông nghiệp, trồng xen trong vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng dưới tán rừng, trồng công nghệ cao ...). Nhân rộng diện tích canh tác dược liệu thông qua việc thực hiện các mô hình điểm để chuyển giao (ưu tiên thực hiện các mô hình phát triển các giống dược liệu mới, trồng dưới tán rừng, các mô hình trồng xen trong vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, các mô hình di thực các giống dược liệu ở một số địa phương khác trong cả nước); sử dụng các giống dược liệu chất lượng cao để phát triển các vùng trồng gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững.
Đặc biệt, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường thông qua phát triển, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân trồng dược liệu với các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu; mỗi loại dược liệu tiềm năng quy mô từ 30 ha trở lên đều có tối thiểu một chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra cho người sản xuất; đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm tối thiểu 10 chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, trên 70% sản lượng dược liệu được tiêu thụ qua chuỗi liên kết.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu; tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hệ thống các điểm trưng bày, bán sản phẩm dược liệu gắn với các sản phẩm OCOP tại các siêu thị, điểm dừng chân, khu du lịch trên địa bàn tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước.
Thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để hỗ trợ chứng nhận từ 15-20 sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận OCOP trong đó tối thiểu 5 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chế biến tinh chế như thực phẩm chức năng, đặc biệt là nhóm các sản phẩm chủ lực, mang lợi thế đặc trưng riêng của tỉnh như: Actiso, Diệp hạ châu, đương quy, sâm ngọc linh, linh chi, đông trùng hạ thảo, thông đỏ, một số loại nấm khác...
Hồng Nhung
Bình luận