Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
Thứ sáu, 21/06/2024 07:06
TMO - Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng thêm 2 vùng an toàn dịch bệnh tại xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) và phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn). Từ các mô hình là điểm sáng được cấp giấy an toàn dịch bệnh này sẽ lan toả mạnh trong các địa phương trên toàn tỉnh.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện toàn tỉnh có 427 trang trại chăn nuôi, trong đó, có 7 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 96 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ. Một số trang trại đã ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chuồng nuôi sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas... vào sản xuất nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Hiện, toàn tỉnh có 34 cơ sở chăn nuôi được cơ quan thú y cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, trong đó có 2 cơ sở chăn nuôi cấp xã và 32 cơ sở chăn nuôi cấp trang trại; dự kiến năm 2024, sẽ xây dựng thêm 2 vùng an toàn dịch bệnh tại xã Vạn Trạch (Bố Trạch) và phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn).
Những năm gần đây, huyện Quảng Ninh đã chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, như: Chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm, chăn nuôi gà theo quy trình khép kín, nuôi trồng thủy sản công nghệ mới…
Thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh; đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi; tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: TTX.
Đến thời điểm hiện tại, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện được duy trì tốt, đàn bò lai chiếm 68% tổng đàn. Các giống bò năng suất, chất lượng cao vẫn đang được sử dụng để phối giống trên địa bàn và được người chăn nuôi ưa chuộng, như: Droughtmaster, BBB… Chất lượng đàn lợn đã chuyển biến tích cực, các công ty, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn ngoại đầu tư đưa các giống lợn mới có năng suất, chất lượng cao vào nuôi cho kết quả tốt, tỷ lệ đàn lợn có 100% máu ngoại, chiếm hơn 50% tổng đàn. Chất lượng con giống đàn gia cầm luôn được chọn lọc đáp ứng nhu cầu của thị trường, các giống gia cầm được sử dụng nhiều, như: Gà Lượng Huệ, gà Minh Dư, gà CP, vịt Super...
Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát; tổng đàn lợn và gia cầm tăng so với cùng kỳ; đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ do giá bán thịt hơi giảm, điều kiện chăn thả ngày càng thu hẹp. Hiện nay, tổng đàn lợn có 42.967 con, đàn trâu có 3.220 con, đàn bò 5.826 con và đàn gia cầm 676.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2024 đạt 2.078 tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ.
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng giá trị, bền vững, huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác giám sát dịch và phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh các khâu dịch vụ trong chăn nuôi, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng; quan tâm chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng đối với các vùng chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt trong quy hoạch nông thôn mới.
Huyện khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại xa khu dân cư, gắn với an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện để người dân có nhu cầu phát triển trang trại được thuê đất ở vùng quy hoạch chăn nuôi đã được huyện phê duyệt trong quy hoạch nông thôn mới để sản xuất; khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học như nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi, dùng thức ăn chăn nuôi bằng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường và người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, tăng cường giám sát dịch bệnh, có phương án dập dịch khi xảy ra trên địa bàn; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để giảm các điểm giết mổ nhỏ lẻ, thực hiện tốt kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và phát triển mạnh dịch vụ thú y; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để giúp người chăn nuôi thường xuyên cập nhật những kỹ thuật chăn nuôi mới.
Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã triển khai một số chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi nên tạo đà phát triển số lượng tổng đàn gia súc cũng như chất lượng ngày càng được nâng lên. Tổng số đàn trâu, bò trong nông hộ được duy trì và phát triển, tổng đàn lợn tăng so với cùng kỳ. Đến nay, tổng đàn trâu bò có trên 24.500 con (trong đó đàn bò có gần 19.000 con), đàn lợn gần 63.000 con, và đàn gia cầm 960.000 con. Không chỉ phát triển về tổng đàn mà các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn sinh học tiếp tục được đẩy mạnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong năm 2023, một số bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, lở mồm long móng và cúm gia cầm… vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện, gây ra những thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Đặc biệt, bệnh dại tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trong thời gian tới, do công tác quản lý đàn chó, mèo chưa được quan tâm. Kết quả tiêm phòng vacxin gia súc gia cầm và bệnh dại năm 2023 đạt thấp, chưa bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc tại huyện Bố Trạch. Ảnh: HP.
Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi có hiệu quả, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách mua hóa chất phục vụ cho nhiệm vụ phát triển chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi chủ động mua thêm các loại hóa chất, vôi bột, thực hiện vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Chủ trương của huyện Bố Trạch là từng bước xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và xác định đây là một trong những giải pháp cơ bản trong phòng, chống dịch, đồng thời là cơ sở để chuyển dần sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện đã đưa ra các giải pháp, như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Các ngành, địa phương liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Khuyến cáo người chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác động vật ra môi trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định.
Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thì công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi là giải pháp tốt nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, huyện đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện sớm công tác này và phải đạt được tỷ lệ tiêm phải trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm tiêm phòng từng đợt. Cho đến nay, huyện Bố Trạch là địa phương đứng đầu tỉnh Quảng Bình về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Toàn huyện đã có 26 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 21 cơ sở cấp trang trại, 2 cơ sở loại hình công ty, 1 cơ sở loại hình hợp tác xã và 2 cơ sở an toàn cấp xã”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết, những năm qua việc phát triển ngành chăn nuôi luôn đối mặt với rủi ro, thách thức của các loại dịch bệnh. Do đó, việc đưa khoa học công nghệ vào chăn nuôi là giải pháp hạn chế dịch bệnh, an toàn cho đàn vật nuôi. Để xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hiện đơn vị đang tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; tham mưu triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra về điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi, trang trại quy mô vừa. Đồng thời, đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định của pháp luật; phát huy tối đa hệ thống giám sát, xử lý kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế, tiêu diệt một số mầm bệnh trên gia súc, gia cầm.
Quảng Bình đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 sẽ xây dựng thêm 2 vùng an toàn dịch bệnh tại xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) và phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn). Từ các mô hình là điểm sáng được cấp giấy an toàn dịch bệnh này sẽ lan toả mạnh trong các địa phương trên toàn tỉnh để việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi ngày càng có hiệu quả hơn.
Chi cục cũng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tham mưu triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi; kiểm tra về điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa; đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định của pháp luật; phát huy tối đa hệ thống giám sát, xử lý kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế, tiêu diệt một số mầm bệnh trên gia súc, gia cầm…/.
Bùi Tuấn
Bình luận