Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 09/05/2025 18:05
Thứ năm, 08/05/2025 15:05
TMO - Theo Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia, trái bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào nước này nếu tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật.
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được thông báo từ Ban thư ký Ủy ban SPS, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Australia hành “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”.
Văn phòng SPS Việt Nam đã có công văn số 88/SPS-BNNMT về việc Australia ban hành báo cáo cuối cùng yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam và gửi tới Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để triển khai các bước tiếp theo đưa quả bưởi tươi Việt Nam sang thị trường Australia.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) chính thức ban hành “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”, khẳng định bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia nếu tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại và quy trình kiểm dịch thực vật.
Báo cáo cho thấy Australia đã hoàn tất đánh giá rủi ro với toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và vận chuyển quả bưởi từ vùng sản xuất thương mại ở Việt Nam. Qua phân tích, DAFF xác định có 19 sinh vật gây hại cần biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo an toàn sinh học. Trong số này, đáng chú ý có rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), rệp sáp và nhện đỏ là những loài đã từng gây ảnh hưởng tới sản phẩm cây có múi của nhiều quốc gia.
Trái bưởi Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào thị trường Australia.
Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái và nền nông nghiệp bản địa, Australia đề xuất các biện pháp kiểm soát bao gồm: vùng trồng hoặc cơ sở sản xuất được công nhận không có dịch hại (PFA), xử lý bằng chiếu xạ hoặc Methyl bromide và kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu. Với bệnh loét cam (Citrus canker), phía Australia yêu cầu áp dụng “Hệ thống tiếp cận”, bao gồm chuỗi biện pháp tổng hợp từ vườn trồng đến xử lý sau thu hoạch.
Cơ quan kiểm dịch Australia nhấn mạnh 3 loài sinh vật trong danh sách trên như nhện đỏ và rệp sáp là đối tượng kiểm dịch vùng tại Tây Australia. Do đó, dù được nhập khẩu vào Australia, các sản phẩm bưởi vẫn cần tuân thủ thêm quy định riêng khi vận chuyển giữa các bang.
Sau khi báo cáo được công bố, phía Australia sẽ tiến hành các bước xác minh cuối cùng với Việt Nam để đảm bảo năng lực triển khai các biện pháp kiểm dịch. Khi hoàn tất, các điều kiện nhập khẩu chính thức sẽ được công bố trên hệ thống BICON của Australia - cổng thông tin quy định nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật.
Việc hoàn thiện báo cáo này không chỉ đánh dấu bước tiến trong đàm phán mở cửa thị trường mà còn thể hiện năng lực ngày càng được cải thiện của lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn sinh học quốc tế. Bên cạnh đó, việc Australia công nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm bưởi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng bưởi cả nước đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, từ 50.000 ha năm 2015 lên hơn 100.000 ha hiện nay, sản lượng gần 1 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.
Các giống bưởi như Năm Roi, Da Xanh, Diễn, Tân Lạc... đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật Bản. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, khoảng 5.000 tấn/năm, chủ yếu do hạn chế về kỹ thuật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Việc mở cửa thị trường Australia sẽ tạo thêm động lực để bưởi Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch rau quả trong quý I/2025 đạt 1,164 tỷ USD, giảm 9,2% so với quý I/2024 và giảm 22,7% so với quý IV/2024. Trong đó, xuất khẩu trái bưởi đạt hơn 17,5 triệu USD, tăng 60,6%, trở thành 1 trong 10 loại trái cây có kim ngạch cao nhất của Việt Nam.
Đến nay, trái bưởi Việt Nam đã có mặt tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cuối năm 2022, bưởi- loại trái cây thứ 7 của Việt Nam, sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa - được phép nhập khẩu vào Mỹ sau 5 năm đàm phán. Đến tháng 12/2022, bưởi tiếp tục mở cửa vào New Zealand theo đường chính ngạch, đánh dấu bước đột phá giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Đến tháng 4/2024, Hàn Quốc là thị trường mới nhất “cấp visa” cho trái bưởi Việt, mở rộng hơn nữa dư địa và tiềm năng xuất khẩu.../.
Lê Hồng
Bình luận