Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ sáu, 07/07/2023 07:07
TMO - Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Nghệ An, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ chính quyền địa phương đến các chủ thể, đã tạo ra những nông sản đặc trưng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP đang được địa phương này đẩy mạnh triển khai.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xác định là một giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chương trình được thực hiện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 403 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước; gồm: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá, trong đó có 9 điểm du lịch nông thôn và Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt sao được công nhận.
Qua đó, đã góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 42 xã nông thôn mới nâng cao; 6 xã nông thôn mới kiễu mẫu.
Cùng với việc nâng cao chất lượng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An chú trọng công tác quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP có chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được cấp nhãn hiệu tập thể nổi tiếng đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An như: cam Vinh, nước mắm Vạn Phần, nước mắm Cửa Hội, tôm nõn Diễn Châu, cá Thu nướng Cửa Lò hội, dê Tân Kỳ, mực Quỳnh Lưu, gà Thanh Chương, gà Phủ diễn, gạo Mường Nọc, bơ Nghĩa Đàn, bò giàng Tương Dương, gừng Kỳ Sơn, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, chè Hoa Vàng Quế Phong, trà cà dây leo, giảo cổ lam, dây thìa canh, rượu Mú Từn, sâm Puxalaileng, đẵng Sâm, lan Kim tuyến, hà Thủ Ô, bò Mông, lúa AC5, mật ong, tảo xoắn, rau hữu cơ…
Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An: Chưa có giai đoạn nào việc phát triển thị trường nông sản được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp quan tâm như hiện nay. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình đề án như Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 – 2025; ban hành Quyết định 174 về phê duyệt đề án thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản đến năm 2030...
Tại Nghệ An, tỉnh đã ban hành các kế hoạch để cụ thể các Quyết định của Chính phủ. Sở Công Thương cũng đã lồng ghép nội dung này trong kế hoạch xuất khẩu của tỉnh ban hành theo Quyết định 481; Quyết định 400 của UBND tỉnh về ưu tiên đưa sản phẩm tiêu biểu của Nghệ An lên sàn thương mại điện tử. Để hỗ trợ sản phẩm OCOP của Nghệ An lên sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương đã ban hành Quyết định để hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, trong đó có sản phẩm OCOP.
Cùng đó, ngành Công Thương đã phối hợp để tham mưu xây dựng, ban hành, thực hiện một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP như Nghị quyết 25, Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh năm 2021. Riêng Nghị quyết 18, đây là Nghị quyết về phát triển nông nghiệp trong đó có tiêu thụ sản phẩm; Nghị quyết 32 về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thương mại, chính sách khuyến công...
Hiện nay, Nghệ An có 17 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống khu trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (trong đó, có 4 điểm được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, 13 điểm do chủ thể tự đầu tư). Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử hiện nay đã hỗ trợ 21 huyện, thành, thị có gian hàng trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP như: Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói. Đặc biệt là thương hiệu chưa lớn mạnh nổi bật nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao.
Một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các cơ chế, chính sách tuy đã được ban hành song nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó các chủ thể khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đã được quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế; chưa kết nối tiềm năng, lợi thế với khai thác tiềm năng du lịch. Công tác tuyên truyền về chương trình OCOP tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP.
Ngành Công Thương tỉnh Nghệ An đề xuất nhiều giải pháp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TT.
Để đưa sản phẩm OCOP của người dân trên địa bàn tỉnh đến sâu rộng hơn với thị trường cả nước, Sở Công Thương tỉnh đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, cần phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh tiêu thụ giữa nhà phân phối, nhà sản xuất, các hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất để đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.
Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; khuyến khích ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, nền tảng điện tử, mạng xã hội... để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình.
Ngoài ra, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhất là sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương nhằm tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP song song với xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap, HACCP... cho các sản phẩm chương trình OCOP.
Hồng Nhung
Bình luận