Hotline: 0941068156
Thứ hai, 12/05/2025 19:05
Thứ hai, 12/05/2025 06:05
TMO - Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ lúa thông qua việc thúc đẩy các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp. Giải pháp này nhằm nâng cao giá trị hạt lúa, ổn định đầu ra cho ngành hàng lúa gạo địa phương.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, nông nghiệp vẫn là ngành trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Hiện tỉnh đang tập trung phát đầu tư phát triển nông nghiệp chú trọng chất lượng cao, có sự liên kết đem lại hiệu quả, giá trị cao và hướng tới bền vững, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo.
Đáng chú ý, ngay từ năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đã khởi động thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và triển khai mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón” tại tỉnh Sóc Trăng.
Bước đầu qua vụ lúa Hè Thu vừa qua thực hiện trên diện tích hơn 50 ha đã cho kết quả rất cao, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha, là tiền đề cho tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trong những vụ lúa tới. Bên cạnh đó, địa phương này luôn quan tâm đến việc phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cao sản nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất và cơ cấu mùa vụ phù hợp để thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao năng suất, chất lượng lúa, thì công tác liên kết tiêu thụ lúa rất được chú trọng, bởi việc liên kết nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông dân trồng lúa.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc triển khai thực hiện các đề án sản xuất lúa đặc sản, đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao… đã đưa các ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng với 100% diện tích sản xuất, 20% diện tích bón phân sử dụng máy bay không người lái, 24% diện tích phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, 100% sử dụng máy bơm tát vào đồng ruộng, 98% thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào sản xuất, cụ thể là ứng dụng hệ thống bẫy đèn điện tử thông minh vào công tác theo dõi, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên lúa. Song song với công tác phát triển sản xuất lúa thì công tác tiêu thụ lúa cũng rất được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện. Các sản phẩm gạo đặc sản của tỉnh thường có mặt trong các cuộc triển lãm, hội chợ trong nước và ngoài nước.
Đặc biệt tỉnh có sản phẩm gạo ST rất được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước ưa chuộng, trong đó có gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới trong nhiều năm, càng khẳng định chất lượng của lúa ST trên vùng đất Sóc Trăng. Chính nhờ sản phẩm lúa ST và các giống lúa chất lượng cao của tỉnh mà đã có 20 doanh nghiệp, công ty trong, ngoài tỉnh tìm đến liên kết tiêu thụ lúa sau thu hoạch, với diện tích lúa được liên kết bao tiêu đầu ra hằng năm gần 70.000ha, giá liên kết thu mua cao hơn so với bên ngoài thị trường từ 100 - 500 đồng/kg.
Người dân sử dụng máy gặt để thu hoạch lúa nhanh, gọn, tiết kiệm sức lao động. (Ảnh: KT).
Đồng thời, tỉnh cũng có lợi thế là có 3 doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu với quy mô 20.000 tấn/năm; có 19 nhà máy, cơ sở xay xát chế biến lúa gạo, tổng sản lượng sơ chế 50.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp và nhà máy nêu trên cũng đã góp phần tiêu thụ tốt số lượng lúa sau thu hoạch của bà con nông dân toàn tỉnh. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, nhằm tiếp tục duy trì tốt chất lượng và năng suất lúa của tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất lúa và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa; củng cố phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã lúa và khuyến khích các tổ chức này chủ động xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.
Triển khai các chính sách phát triển liên kết sản xuất lúa và bố trí lồng ghép thực hiện các hoạt động của các đề án, dự án về lúa của Trung ương, địa phương. Hỗ trợ nông dân trồng lúa phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ lúa sau thu hoạch. Tăng cường mời, gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh.
Để tạo ra sản lượng lúa lớn hơn nữa có cùng chất lượng, đơn vị tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng, diện tích gieo trồng lúa hằng năm của tỉnh Sóc Trăng hơn 320.000ha, bao gồm các vụ lúa trong năm là vụ Đông - Xuân, vụ Hè - Thu, vụ Mùa và vụ Thu - Đông, với tổng sản lượng thu hoạch hơn 2 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đạt 1,92 triệu tấn.
Để đạt sản lượng lúa chất lượng cao chiếm hơn 90%, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, Đề án Nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đến nay đạt gần 5.000ha, diện tích thực hiện trong đề án đến năm 2030 của tỉnh là 72.000ha.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Sóc Trăng sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại. Đầu tư vào hệ thống giao thông và logistics để giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Bên cạnh đó, bố trí lại cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác 3 vụ lúa/năm ở những vùng có điều kiện khó khăn, khuyến khích canh tác 2 vụ lúa/năm nhằm đảm bảo trong phát triển nông nghiệp có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…/.
Trọng Nghĩa
Bình luận