Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 02:01
Thứ năm, 07/07/2022 10:07
TMO - Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh đàm phán nhằm nhanh chóng đưa nhiều loại trái cây xuất khẩu theo đường chính ngạch vào các thị trường xuất khẩu. Dự kiến cuối năm nay, nhiều loại nông sản như nhãn, bưởi, sầu riêng, dừa, chanh...sẽ chính ngạch xuất sang nhiều thị trường cao cấp.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tháng 6 vừa qua, đơn vị này và cơ quan chức năng phía Nhật Bản đã kết thúc đàm phán. Theo đó, đối với thị trường Nhật Bản, theo cam kết của chính phủ 2 nước, đến tháng 9 sẽ mở cửa cho quả nhãn Việt Nam sang thị trường này bằng biện pháp xử lý khí lạnh.
Hiện, hai bên thống nhất phần kỹ thuật, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện dự thảo xuất khẩu và chính thức công bố kết quả. Tại thị trường này, Việt Nam đang xuất khẩu 3 loại trái cây tươi là thanh long, xoài, vải.
Thanh long là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực tại nhiều thị trường. Ảnh: Việt Quốc
Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ cũng vừa hoàn tất các khâu kỹ thuật đối với quả bưởi. Trong tháng 7, đoàn chuyên gia của Mỹ sẽ sang Việt Nam, cùng với Cục Bảo vệ thực vật và các nhà máy chiếu xạ trên cả nước thống nhất liều lượng chiếu xạ đối với trái bưởi. Việc đàm phán thành công mở ra cơ hội cho gần 950 nghìn tấn bưởi của Việt Nam chinh phục thị trường cao cấp như Mỹ. Sau khi đàm phán xuất khẩu chính ngạch bưởi sẽ đến trái dừa.
Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thiện các dự thảo nghị định thư đối với trái sầu riêng và đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký rồi gửi lại. Sau đó, hai bên sẽ thống nhất thời gian công bố. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Tây như Bằng Tường, Đông Hưng... Tính đến thời điểm hiện tại, có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm và măng cụt..
Thị trường Trung Quốc vừa đồng ý thí điểm nhập khẩu chanh leo Việt Nam từ ngày 1/7 vừa qua
Việc xuất khẩu quả tươi đi các thị trường khó tính có nhiều yêu cầu khác nhau. Như với thị trường Mỹ, Úc, New Zealand thì yêu cầu trái cây tươi phải chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand thì yêu cầu xử lý hơi nước nóng. Với biện pháp lạnh thì có ít nước yêu cầu hơn.
Vì thế, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để trái cây xuất sang các thị trường cao cấp thành công, chúng ta không thể yêu cầu các nước nhập khẩu hạ tiêu chuẩn xuống mà buộc phải nâng tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong đó, việc kiểm soát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cần được siết chặt, đảm bảo sản xuất nông sản an toàn.
Theo ước tính, sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 là hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn. Đối với việc quản lý mã số vùng trồng, hiện nay Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,…
Về mã số cơ sở đóng gói, cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.
Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, các địa phương kiểm soát sản xuất tại các vùng được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Minh Phúc
Để quản lý tốt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng chỉ làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đứng tên tổ chức, cá nhân sở hữu mã số.
Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới để đa dạng hoá thị trường cho nông sản Việt Nam, Bộ sẽ phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa.
Hồng Liên
Bình luận