Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ năm, 15/09/2022 23:09
TMO - Phát huy hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Kon Tum xác định phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh Kon Tum hiện có 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, trong đó có các loại cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, đinh lăng, nhân sâm, lan kim tuyến…Ngoài ra, còn có một số loài cây thuốc mang tính đặc hữu quý như prác, tà liền chuông, gừng lúa…
Toàn tỉnh hiện phát triển được 2.416,5 ha dược liệu, trong đó có khoảng hơn 1.000 sâm Ngọc Linh, gần 630 ha đảng sâm, gần 58 ha đương quy, trên 168 ha nghệ vàng, gần 117 ha sa nhân... Hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung như: Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng sâm dây tại tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng sa nhân tím tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; có 2 cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống Sâm Ngọc Linh.
Thông tin từ UBND tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 7/2022, toàn tỉnh trồng mới được trên 667ha dược liệu; trong đó, sâm Ngọc Linh trên 13ha, còn lại là các cây dược liệu khác...
Các địa phương đang đẩy mạnh mở rộng diện tích cây trồng dược liệu như đảng sâm, đương quy... Ảnh: Quang Định
Nhận thấy tiềm năng và giá trị của cây dược liệu, thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu; đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu như: Miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn dược liệu dưới tán rừng...
Tại tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông, là một trong những địa phương có diện tích cây dược liệu lớn. Địa phương này có trên 840ha cây dược liệu các loại; trong đó xã Măng Cành 33ha (25ha sâm dây, 8ha dương quy), xã Ngọk Tem 55ha (5ha sa nhân, 5ha nghệ, 5ha sả Ja va và 40ha dược liệu khác của doanh nghiệp), xã Đăk Nên đang trồng thử nghiệm 1 ha cây sả Ja va; còn lại là diện tích của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đến nay, toàn huyện đã trồng mới được hơn 70 ha cây dược liệu các loại, phổ biến như: Đảng sâm, đương quy, nghệ đỏ, đinh lăng, ba kích tím, hà thủ ô, sa nhân... đang phát triển tốt. Hiện nay, huyện đã thực hiện khoanh vùng, bảo tồn một số loại cây như: chuối rừng, sim rừng, sơn tra và đang triển khai khoanh vùng bảo tồn các loại cây như: Chè dây, cốt toái bổ, ngũ vị tử, lan kim tuyến…
Tỉnh Kon Tum khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc trồng, chế biến cây dược liệu. Ảnh: Lê Hường
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào 31 dự án trồng và chế biến dược liệu với quy mô gần 13.900 ha, tổng vốn đầu tư 8.995 tỷ đồng tại 9/10 huyện, thành phố (chủ yếu ở 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông).
Trong đó, có một số dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn như: Dự án trồng cây dược liệu có giá trị cao tại 3 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei) với quy mô 1.000 ha, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu tại xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô gần 4.800 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng tại 3 xã: Ngọk Lây, Măng Ri, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô trên 2.500 ha, vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Dự án trồng, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tại xã: Văn Xuôi và Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) với quy mô 2.335 ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng...
Tại Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy Kon Tum xác định mục tiêu "Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế".
Để đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, đưa tỉnh Kon Tum sớm trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, Nghị quyết xác định đến năm 2025: Hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung; trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm (1.600 ha đất qua các lượt trồng) các loại cây dược liệu ngắn ngày.
Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 01 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống. Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.
Sâm Ngọc Linh được xác định là dược liệu chủ lực trong định hướng bảo tồn và phát triển dược liệu tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dương Nương
Khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên (Cu ly, Huyết đằng, Cốt toái bổ, Mật nhân, chè dây...), khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng (Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).
Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh. Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.
Đến năm 2030: Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha; trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng trồng dược liệu, thúc đẩy dịch vụ logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu.
Hà Thu
Bình luận