Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ năm, 30/03/2023 05:03
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết nông sản, tạo tính ổn định từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay, địa bàn tỉnh có 215 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong các chuỗi này có sự tham gia của gần 17 nghìn hộ nông dân trồng trọt và 2,8 nghìn hộ chăn nuôi. Trong đó, quy mô liên kết sản xuất trong các chuỗi này hiện khoảng trên 31 nghìn ha diện tích trồng trọt với sản lượng 480 nghìn tấn, quy mô trong chăn nuôi đạt trên 1 triệu con gia súc, gia cầm các loại với sản lượng đạt trên 143 nghìn tấn.
Đến nay, tổng diện tích áp dụng VietGap, GlobalGAP... của địa phương là 5,8 nghìn ha. Trong đó có khoảng 3 nghìn ha rau, 1,2 nghìn ha cây ăn quả, 637 ha chè, 292 ha chà phê và 605 ha lúa… Diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 84 nghìn ha, sản lượng đạt 261 nghìn tấn/năm.
Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được hình thành góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng,
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay, kết quả áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi của địa phương là 4 cơ sở nuôi cá tầm, 3 trang trại chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi gia, 26 cơ sở chăn nuôi ong. Địa phương cũng có trên 1,3 nghìn ha diện tích trồng trọt được cấp chứng nhận hữu cơ với tổng sản lượng ước đạt hơn 2 nghìn tấn/năm và trên 1 nghìn bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ.
Với mục tiêu tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong năm 2023, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định các nhóm giải pháp trọng tâm để chủ trì, phối hợp triển khai đạt hiệu quả trên từng nhóm cây trồng, vật nuôi. Thống kê trong năm 2022 vừa qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng được phê duyệt 24 dự án hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ 11 dự án cấp tỉnh gần 50 tỷ đồng và dự án cấp huyện hơn 13 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng phê duyệt 30 dự án liên kết cấp tỉnh và 57 dự án liên kết cấp huyện, tổng kinh phí gần 275,7 tỷ đồng.
Kết quả đến hết năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng mở rộng hoạt động 213 chuỗi liên kết, tăng 31 chuỗi so với năm 2021. Quy mô liên kết với 16.900 hộ trồng trọt, sản lượng 480.738 tấn/năm; hơn 2.800 hộ chăn nuôi 1.030.860 con heo, bò sữa, bò thịt, gà, chim cút, 326,5 ha dâu tằm, tổng sản lượng đạt hơn 143.180 tấn. Bên cạnh 87 chuỗi được ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn lại 126 chuỗi do doanh nghiệp, HTX, cơ sở chủ động đầu tư xây dựng và phát triển.
Trong đó, các sản phẩm trồng trọt liên kết với 82 chuỗi rau, củ, quả (2.406 hộ, gần 3.685 ha); 23 chuỗi cà phê (10.970 hộ, 22.964 ha); 10 chuỗi chè (306 hộ, 818 ha); 7 chuỗi hoa (364 hộ, 265,8 ha); 9 chuỗi dược liệu (327 hộ, 244,3 ha); 6 chuỗi lúa (674 hộ, 833 ha); 6 chuỗi mắc ca ( 823 hộ, 1.035 ha); 2 chuỗi nấm hương (32 hộ, 25 ha). Các sản phẩm chăn nuôi liên kết với 11 chuỗi dâu tằm (583 hộ, 326,5 ha); 4 chuỗi bò sữa (1.617 hộ, 26.460 con); 4 chuỗi heo (247 hộ, 241.200 con); 3 chuỗi bò thịt (168 hộ, 1.600 con); 3 chuỗi mật ong (100 hộ, sản lượng 135 tấn); 2 chuỗi gà thịt (38 hộ, 412.600 con); 1 chuỗi cá tầm (8 hộ, 8 ha)…
Tỉnh Lâm Đồng nâng cấp các chuỗi liên kết đã hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản mới gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.
Sở NN&PTNT tỉnh nhận định, thời gian qua nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nên đã khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Do vậy, thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai “Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phù hợp với khả năng đầu tư, điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng. Đồng thời, nâng cấp các chuỗi liên kết đã hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản mới gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai Đề án liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019-2023, phấn đấu đến năm 2023 đảm bảo mỗi xã đều có tối thiểu một mô hình liên kết cho sản phẩm chủ lực; tổng diện tích tham gia chuỗi liên kết 50.000 ha (chiếm 18% diện tích đất canh tác, với sự tham gia của 32.000 hộ, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 hợp tác xã; nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 30% sản lượng nông sản chủ lực toàn tỉnh. Toàn bộ 100% sản phẩm của chuỗi được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và được sơ chế, chế biến; đối với rau các loại có tối thiểu 80% được sơ chế, 20% được chế biến bằng công nghệ hiện đại. Tăng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng lên 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh, từ đó góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 220 triệu/ha/năm.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng và triển khai mục tiêu phát triển mới 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong năm 2023, nâng tổng số 233 chuỗi hoạt động trên địa bàn. Quy mô liên kết 22.800 hộ canh tác khoảng 33.000 ha, chăn nuôi 1.050.000 con, đạt tổng sản phẩm lần lượt hơn 500.000 tấn và 170.000 tấn.
Để đạt mục tiêu mở rộng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong năm 2023, nhóm giải pháp trọng tâm là nâng cấp hệ thống chuỗi liên kết đã hình thành, chuỗi liên kết phát triển mới gắn với các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, khuyến khích đầu tư sản xuất theo quy trình kỹ thuật GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP…, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế, chế biến nâng cao chất lượng nông sản, uy tín thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, kho chứa sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn do các tỉnh, thành phố tổ chức; phát triển chợ đầu mối, điểm giao dịch, cải thiện kênh thu mua, tiêu thụ nông sản theo hướng giảm khâu trung gian, tăng giá bán và thu nhập cho người sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết…
V. Việt
Bình luận