Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ tư, 04/10/2023 08:10
TMO - Nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ tại nhiều địa phương. Malaysia thông báo sẽ khởi động phương pháp “gieo mây” tạo mưa, đồng thời chuẩn bị phương án đóng cửa toàn bộ trường học nếu chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng có hại cho sức khỏe.
Hiện, chất lượng không khí của Malaysia đang xấu đi, đặc biệt là ở phía Tây bán đảo Malaysia, với 11 khu vực ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe (API). Các trường học và nhà trẻ phải dừng mọi hoạt động ngoài trời khi chỉ số API lên mức 100 và đóng cửa khi chỉ số API lên mức 200.
Theo Cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường và Biến đổi khí hậu của Malaysia, việc tạo mưa nhân tạo được thực hiện bằng cách rải các hạt nhỏ giống như băng vào những đám mây trong khu vực. Biện pháp này được thực hiện khi chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở mức 150 trong vòng hơn 24 tiếng đồng hồ.
Khói mù gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân ở nhiều khu vực tại Malaysia.
Thông thường, vào mùa khô hằng năm, chất lượng không khí nhiều khu vực ở Malaysia trở nên xấu đi do khói mù lan sang từ các hoạt động đốt nương làm rẫy, dọn đất canh tác ở nước láng giềng Indonesia. Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - cơ quan có trụ sở tại Singapore, chuyên theo dõi tình trạng khói mù ảnh hưởng đến Đông Nam Á, những hình ảnh vệ tinh đã ghi nhận gần 250 "điểm nóng" có nguy cơ xảy ra các vụ cháy trên đảo Sumatra của Indonesia và phần thuộc chủ quyền của Indonesia trên đảo Borneo.
Nguyên nhân gây cháy thường là do người dân Indonesia đốt nương, rẫy, đồng ruộng và thực bì nhằm chuẩn bị đất trồng cây dầu cọ và cây lấy gỗ để phục vụ sản xuất giấy. Các đám cháy thường tạo ra khói mù phủ kín bầu trời của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hà Nguyễn
Bình luận