Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ năm, 07/09/2023 18:09
TMO – Nhiều Luật có liên quan đã được điều chỉnh để bám sát nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến thiếu sự thống nhất và đồng bộ với các Luật khác.
Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản (thông qua năm 2010, hiệu lực từ năm 2011), đến nay Quốc hội đã ban hành 01 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản liên quan đến quy hoạch, 01 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 60 Thông tư. Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay Luật Khoáng sản năm 2010 có nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể: Luật chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ bản địa chất như đã nêu trên; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất. Trong khi, Địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chấ;
(Ảnh minh họa)
Nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện. Cụ thể như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công …; Khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính; Vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản; Vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản; Vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm VLXDTT, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp; Quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn; Quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”; Quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý như phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch.
Bất cập thứ 3 là, nhiều Luật liên quan đến địa chất, khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, 2020, Luật Đấu giá tài sản 2016, Luật quản lý, sử dụng tài sản công-2017, Luật Bảo vệ môi trường - 2020, Luật Đầu tư - 2020, Luật Doanh nghiệp - 2020, Luật Quy hoạch - 2017, Luật Ngân sách nhà nước - 2015, Luật Lâm nghiệp - 2017, Luật Thủy lợi - 2017, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - 2015, Luật Đa dạng sinh học - 2018. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản lại chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến thiếu tính thống nhất và đồng bộ với các Luật khác, gây khó khăn, vướng mắc trong quản lý điều hành.
Trước đó, ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năn 2045. Đây là căn cứ chính trị quan trọng và là kim chỉ nam định hướng xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản thay thế Luật Khoáng sản nhằm luật hóa các nội dung cần thiết trong quản lý nhà nước đối với hoạt động địa chất và khoáng sản.
VŨ MINH
Bình luận