Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 03:04
Thứ bảy, 29/03/2025 11:03
TMO - Tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương triển khai mô hình thí điểm của Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" với mục tiêu hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp và hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng xanh.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án) được triển khai nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người dân trồng lúa, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Qua quá trình triển khai, các mô hình thí điểm trong Đề án đã mang lại những chuyển biến tích cực, nhiều hộ nông dân đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật như giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ (AWD), sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa sản xuất và quản lý rơm rạ. Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận mà còn góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững.
Thực hiện Đề án trên, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chỉ đạo thực hiện Đề án. Theo đó, vụ Đông Xuân 2024-2025, trên địa bàn tỉnh đã có 300ha lúa triển khai theo Đề án tại 6 huyện (Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Giang Thành).
Trong đó, HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất) là đơn vị được chọn thực hiện mô hình trình diễn thuộc dự án Khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL". Mô hình đặt ra mục tiêu xây dựng 100ha lúa chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, năng suất bình quân ≥ 6,2 tấn/ha, được cấp mã số vùng trồng, chi phí đầu vào giảm tối thiểu 15% (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động) so với đại trà.
Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất.
Đại diện HTX cho biết, mô hình thí điểm được triển khai trên diện tích 50ha, với 10 hộ tham gia. Loại lúa giống gieo sạ là giống lúa Nhật ĐS1 gieo sạ bằng máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng; Sử dụng phân bón chuyên dùng của phân bón Bình Điền; Quy trình quản lý dịch hại; Liên kết tiêu thụ với Tập đoàn Tân Long...
Trước khi triển khai thực hiện, HTX và các hộ tham gia được tập huấn kỹ càng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Quy trình thu gom và xử lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn; Xây dựng nhãn hiệu và mã số vùng trồng sản phẩm lúa gạo...Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất cũng đã xây dựng được quy chế quản lý, quy chế hoạt động của mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã mở rộng diện tích lên đến 438ha/50ha so với kế hoạch được duyệt (kế hoạch 50ha, thực hiện 438ha).
Ngày 27/3, HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đã tổ chức thu hoạch diện tích lúa trồng theo mô hình. Kết quả cho thấy, năng suất lúa trong mô hình đạt 10,2 tấn/ha, trong khi ngoài mô hình đạt 9,8 tấn/ha. Quá trình triển khai mô hình, các hộ nông dân tham gia đã áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSC, áp dụng bón lót phân Biocanxi, phân hữu cơ: 350kg/ha.
Lượng phân đạm bón trong mô hình trung bình 104,5 kg/ha; phân lân giảm 18,2 kg/ha, kali giảm 33,4kg/ha... Theo đó, mô hình đã tiết kiệm được tổng số 112,7 kg phân NPK/ha so với ngoài mô hình, trong khi đó, với việc sử dụng phân Biocanxi bón lót và bổ sung phân hữu cơ giúp gia tăng pH đất ở ngưỡng trên 6.0, giúp vi sinh vật đất phát triển, kích thích cây lúa lên xanh tốt, ít sâu bệnh - là tiền đề cho gia tăng năng suất, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.
Mô hình áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Nông dân tham gia mô hình tuân thủ quy trình quản lý nước ướt khô xen kẽ rất tốt theo quy trình 145 và có sự điều chỉnh cho nhóm giống Japonica (thời gian sinh trưởng 115 – 120 ngày).
Theo báo cáo của HTX, tổng chi phí sản xuất trong mô hình là 26.688.450 đồng/ha, thấp hơn 1.871.550 đồng/ha so với ngoài mô hình (28.560.000 đồng/ha). Giảm được nhiều chi phí sản xuất là nhờ HTX đã giảm lượng giống gieo sạ bằng máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Rơm được cuộn lại sau thu hoạch để sử dụng theo hướng tuần hoàn, hạn chế tình trạng đốt gây phát thải. Ảnh: TC.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, thực tế mô hình thí điểm trong vụ đông xuân 2024-2025 tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Với giống lúa ĐS1 năng suất trung bình đạt 10,3 tấn/ha (lúa tươi), tổng thu nhập đạt 82,2 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cho nhà nông lên đến 55,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6,7 triệu đồng/ha. Khí phát thải nhà kính giảm trung bình 13.05 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình canh tác truyền thống.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các địa phương duy trì, nhân rộng diện tích tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Cần xây dựng Tổ Khuyến nông cộng đồng, cùng với khuyến nông doanh nghiệp để hỗ trợ hợp tác xã tham gia Đề án, mở rộng diện tích ở các địa phương.
Sau giai đoạn thí điểm, mô hình canh tác lúa phát thải thấp đang được mở rộng tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến 200.000 ha vào năm 2025 và 1 triệu ha vào năm 2030. Trong số đó, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại các hợp tác xã với diện tích dự kiến tăng lên 1.500 ha vào cuối năm 2025. Các tỉnh còn lại như An Giang, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ bắt đầu triển khai từ vụ Hè Thu 2025.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án các địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp như liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ đo lường phát thải (MRV); tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi và cơ giới hóa; ứng dụng công nghệ tưới hiện đại, hỗ trợ sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.
Về phát triển hệ thống đo lường phát thải và tín chỉ carbon như hệ thống MRV sẽ được mở rộng ra tất cả 12 tỉnh, giúp ghi nhận chính xác mức giảm phát thải, tạo điều kiện cho nông dân tham gia thị trường tín chỉ carbon, tăng thêm thu nhập. Tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, đảm bảo sự chuyển đổi bền vững trên diện rộng.../.
Trần Hằng
Bình luận