Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 18/09/2022 06:09
TMO - Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Khí hậu Thế giới cho thấy, biến đổi khí hậu đã góp phần khiến tình trạng lũ lụt tại Pakistan càng thêm trầm trọng. Các nhà khoa học xác định rằng, biến đổi khí hậu khiến tổng lượng mưa trong 5 ngày ở tỉnh Sindh và Balochistan tăng đến 50%.
Pakistan vừa công bố số liệu ước tính về thiệt hại do đợt lũ lụt chưa từng có vừa qua. Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia công bố tổng số thiệt hại trên toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày 9/9, với tổng số người thiệt mạng là 1.486, trong đó có khoảng 530 trẻ em.
Theo công bố, lũ lụt do mưa mùa lớn kỷ lục và băng tan tại vùng núi phía Bắc Pakistan đã ảnh hưởng đến 33 triệu trong số 220 triệu dân, cuốn trôi nhiều nhà cửa, phương tiện giao thông, mùa màng và gia súc với thiệt hại ước tính 30 tỷ USD.
Một khu vực tại tỉnh Balochistan ở Pakistan chìm trong biển nước vào ngày 29/8. Ảnh: AFP
Băng tan do biến đổi khí hậu được cho là một phần nguyên nhân làm trầm trọng thêm thảm họa lũ lụt. Pakistan có 7.532 sông băng, vì vậy mà khi khí hậu ấm lên, nước này trở nên dễ bị tổn thương hơn do sông băng tan chảy, tạo ra lượng nước có khả năng tàn phá diện rộng. Các chuyên gia khí tượng tại quốc gia này cảnh báo chỉ trong năm nay, Pakistan đã chứng kiến các đợt dâng nước hồ sông băng tăng gấp ba lần bình thường, có thể gây ra lũ lụt thảm khốc.
Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Pakistan ghi nhận lượng mưa lên đến 391 mm, cao hơn gần 190% mức trung bình của 30 năm qua, thậm chí ở tỉnh miền Nam Sindh - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mức chênh lệch này lên tới 466%.
Số liệu của Liên minh châu Âu cho thấy, Pakistan chỉ thải ra 1% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, nhưng nước này là quốc gia dễ bị tổn thương thứ 8 từ khủng hoảng khí hậu, theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu.
Minh Vân
Bình luận