Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ bảy, 05/11/2022 05:11
TMO - UBND tỉnh Cà Mau xác định, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội được thực hiện theo hướng kết hợp đa mục tiêu để tăng tính thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không làm phát sinh nguy cơ, rủi ro mới ở trước mắt cũng như lâu dài.
Là tỉnh có ba mặt giáp biển và dài nhất về chiều dài bờ biển trong cả nước, Cà Mau được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề một khi thiên tai xảy ra. Trong đó, tỉnh đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH) như sạt lở bờ biển, bờ sông, triều cường, hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn. Sạt lở bờ sông, ven biển trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu rừng phòng hộ ven biển; làm suy giảm hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo cũng như các công trình đê, kè, nhà ở, cây màu của người dân...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, một trong những chuyển biến tiêu biểu thể hiện sự ứng phó chủ động trước thiên tai là hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để việc lồng ghép sát thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện của từng địa phương và đạt kết quả cao nhất cả trong phát triển kinh tế lẫn phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh giao các chỉ tiêu lồng ghép phòng, chống thiên tai và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các ngành có liên quan để thực hiện tại các quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển có biển báo, cảnh báo sạt lở. Ảnh: Trần Hiếu
Theo đó, đã có 11 chỉ tiêu phòng, chống thiên tai được tiến hành lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển có biển báo, cảnh báo sạt lở; các điểm xác định là khu vực xung yếu của hệ thống điện (trạm biến thế, đường dây tải điện và lưới cung cấp) được rà soát, kiểm tra, gia cố nếu cần thiết để kịp thời khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra.
Có biển báo, cảnh báo bảo đảm an toàn đường sông, đường bộ vào mùa mưa bão; tàu thuyền có trang bị phao cứu sinh, xuồng cứu hộ, đèn chiếu sáng; dân trong vùng thường xuyên xảy ra mưa bão được tuyên truyền, thông tin về mẫu nhà phù hợp với vùng mưa bão; trường học, nhà trẻ, bệnh viện trong khu vực đô thị được cấp nước sạch trong và sau thiên tai; tỷ lệ cơ sở giáo dục được kiên cố hóa và có khả năng chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại trước tác động của thiên tai...
Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng... gây ra, tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh Cà Mau xác định, thời gian tới, tác động của BĐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu, do đó phải chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai nhằm giảm nhẹ thiệt hại trong phát triển kinh tế-xã hội được tỉnh Cà Mau chú trọng triển khai.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau ngoài việc tập trung đầu tư khoảng 37 tỷ đồng để triển các công trình khắc phục một số khu vực bị sạt lở ven biển Tây, còn triển khai các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển để ứng phó với tình trạng sạt lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ. Đồng thời, đầu tư xây dựng một số khu, cụm dân cư để tiếp tục bố trí nơi ở ổn định cho khoảng 2.700 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở, giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Cà Mau xác định đây vẫn sẽ là một trong những ngành chủ lực, do đó, tỉnh đang tập trung triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất.
Thời gian qua, nhiều hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống, giảm rủi ro thiên tai đã được triển khai tạo tính lan toả trong cộng đồng. Chi cục Thuỷ lợi tỉnh cho biết, chỉ riêng trong năm 2021 địa phương này đã dành số tiền gần 4 tỷ đồng cho các hoạt động nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong cộng đồng. Trong đó, trọng tâm là tập huấn, huấn luyện thực hành phòng, chống thiên tai, bao gồm nhiều nội dung lý thuyết gắn với thực hành tại chỗ.
Hà Vân
Bình luận