Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 05:04
Thứ sáu, 11/04/2025 12:04
TMO - Sau khi thu hoạch lúa thay vì đốt rơm trên các cánh đồng, nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có kiếm thêm thu nhập bằng việc bán rơm cuộn hoặc phục vụ sản xuất.
Những ngày qua, nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười tại tỉnh Long An thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. Ngoài những chiếc máy gặt đập liên hợp thì nhiều chiếc máy cuốn rơm cũng hoạt động hết công suất gom rơm bán cho thương lái. Sau khi lúa cắt xong, rơm cũng nhanh chóng được máy cuộn lại gọn gàng (từ 18-20kg/cuộn). Từ đó, rơm được đưa lên máy cày vận chuyển đến điểm tập kết mang đi tiêu thụ hoặc đưa về các kho chứa.
Do nhu cầu tiêu thụ rơm ngày càng tăng nên sau mỗi vụ thu hoạch lúa tiêu thụ rơm cuộn rất nhanh. Theo anh Nguyễn Văn Nên (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng): Với diện tích 2ha, tôi bán được 1 triệu đồng tiền rơm. Tôi dùng số tiền này để trang trải chi phí cho vụ mùa sắp tới, tuy không nhiều nhưng cũng đỡ phần nào.
Hiện rơm được thu mua với giá khoảng 17.000 đồng/cuộn, vận chuyển đến các tỉnh bán dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/cuộn, có thời điểm hơn 30.000 đồng/cuộn. Một chiếc máy có thể cuộn được từ 600 - 700 cuộn rơm/ngày, trừ chi phí, chủ máy có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/ngày, người nhận vận chuyển và thương lái mua đi bán lại cũng có thêm thu nhập.
Người nông dân có thêm thu nhập từ việc bán rơm rạ.
Ông Lê Văn Dũng (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: Tôi nhận vận chuyển rơm cuộn từ ruộng đến kho chứa với mức giá 6.000 đồng/cuộn. Với 2 chiếc xe kéo cùng 8 người làm thuê, một ngày, tổ vận chuyển của tôi có thể chở khoảng 1.500 cuộn rơm khô về kho chứa. Trừ chi phí trả nhân công 400.000-500.000 đồng/người/ngày, tôi thu được từ 3-4 triệu đồng/ngày.
Nghề làm rơm không quá vất vả nhưng mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người: Chủ ruộng, chủ máy cuốn rơm, thương lái, nhân công, chủ phương tiện vận chuyển rơm. Anh Ngô Văn Đức - thương lái thu mua rơm xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: Mấy năm nay, hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, làm nấm rơm ở một số tỉnh phát triển mạnh nên nhu cầu về rơm cuộn khá lớn. Trung bình mỗi vụ, tôi trữ khoảng 40.000 cuộn rơm để bán cho người chăn nuôi, trồng trọt ở các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Thuận,... Hiện tại, giá rơm mua vào khoảng 17.000 đồng/cuộn, vận chuyển đến các tỉnh bán dao động từ 22.000-25.000 đồng/cuộn, có thời điểm hơn 30.000 đồng/cuộn. Mỗi vụ như thế, tôi kiếm được vài chục triệu đồng.
Rơm cuộn được bán không những tạo ra thu nhập cho người dân mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ.
Việc chuyển từ thói quen đốt rơm sang cuộn và bán rơm đã giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Long An có thêm thu nhập, tạo ra cơ hội việc làm cho lao động thời vụ. Đồng thời, góp phần vệ sinh tốt cho đồng ruộng, tạo thuận lợi cho khâu làm đất trước khi gieo trồng.
Cụ thể, sau mỗi vụ thu hoạch nếu thực hiện thu gom rơm thì đất sẽ giữ được chất mùn, dinh dưỡng nhiều hơn. Còn nếu đốt rơm rạ một cách bừa bãi như lâu nay thì sẽ làm mặt ruộng bị trơ cháy dẫn đến làm giảm chất hữu cơ, không tốt cho đồng ruộng cũng như gây ô nhiễm môi trường. Đây là một giải pháp bền vững, giúp bảo vệ môi trường, tăng năng suất và mang lại giá trị lâu dài cho bà con nông dân.
Được biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã phối hợp các đơn vị có liên quan tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm. Hướng dẫn nông dân trong khai thác và sử dụng rơm rạ, nhất là xây dựng và phát triển các mô hình giúp nông dân trồng lúa nâng cao thu nhập từ rơm và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, nông dân tại một số hợp tác xã trên địa bàn thành phố cũng đã sử dụng rơm sau quá trình trồng nấm để làm phân bón hữu cơ./.
Lê Kiên
Bình luận