Hotline: 0941068156
Thứ tư, 12/02/2025 00:02
Chủ nhật, 09/02/2025 10:02
TMO - Tỉnh Long An sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), góp phần quan trọng trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh.
Năm 2023, PGI của Long An đạt 23,07 điểm, tăng 8,03 điểm, tăng 16 bậc so với năm 2022, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước. Số điểm cụ thể 4 chỉ số thành phần của PGI tỉnh đều tăng: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đạt 7,15 điểm, xếp hạng 22/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 1; bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,02 điểm, xếp hạng 29/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 2; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường đạt 4,06 điểm, xếp hạng 26/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 3 và chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường đạt 5,84 điểm, xếp hạng 3/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 4.
Sở TN&MT Long An cho biết: Trong thời gian qua, các sở, ngành và địa phương Long An đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của PGI thông qua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Các sở, ngành và địa phương còn phối hợp chặt chẽ trong tiếp nhận đầu tư, triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công. Nhất là làm tốt việc tham mưu UBND tỉnh Long An tiếp nhận các dự án có chọn lọc, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và những dự án “xanh”, có công nghệ hiện đại, dự án phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngành chức năng tỉnh Long An tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xử lý nước thải đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp. Ảnh: CS.
Hiện nay, Long An có 6 trạm quan trắc tự động, gồm: 3 trạm quan trắc tự động nước mặt tại 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; 3 trạm quan trắc tự động không khí tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường. Sở TN&MT Long An cũng theo dõi 42 trạm quan trắc khí thải và nước thải của các doanh nghiệp có nguồn thải lớn với tần suất 5 phút một lần. Sở TN&MT đã thu thập, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở đề xuất các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước các tuyến sông, cũng như duy trì bảo vệ không khí xung quanh.
Long An là một trong những địa phương năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tiến tới thăng hạng trong bảng xếp hạng PGI của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, UBND tỉnh triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PGI giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn. Tỉnh ưu tiên tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng của 4 chỉ số thành phần và phấn đấu trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh đứng trong tốp 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tiến đến tăng hạng, phấn đấu trong giai đoạn 2024 - 2025 tỉnh Long An đứng trong TOP 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước thời gian tới, tỉnh Long An sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trong đó với tiêu chí Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu: Tỉnh Long An đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương nhằm theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp trên địa bàn; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hạng mục, công trình tiêu thoát nước, chống ngập, chống sạt lở bờ sông, bờ kênh, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy gây ra sạt lở, sụt lún đất nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Triển khai phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, định hướng quy hoạch giao thông kết nối vùng với hệ thống trục đường tỉnh và các trung tâm logistics, các trung tâm logistics đều có các tuyến đường giao thông kết nối trực tiếp hoặc lân cận; tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển, mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Từng bước tạo không gian xanh, môi trường xanh, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng bền vững, công tác trồng rừng, trồng cây xanh được quan tâm thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững được triển khai đồng loạt tại các địa phương.
Phát triển kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đồng thời giúp tỉnh Long An nâng hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh.
Với tiêu chí Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu: Địa phương này tăng cường ông tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trong quá trình kiểm tra lồng ghép hướng dẫn các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền, lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng Thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm đối với các cơ sở chây ỳ, cố tình vi phạm.
Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các đơn vị trong 02 CCN chỉnh trang Đức Hòa Hạ và Đức Hòa Đông thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định pháp luật; trong quá trình hoạt động sản xuất, đảm bảo chất thải phát sinh từ các đơn vị trong 02 CCN được thu gom, xử lý theo quy định, không gây ô nhiễm môi trường cục bộ.
Tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh, quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tuân thủ đúng Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 02/6/2023 của UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện “Chuyển đổi số Quản lý chất thải” trên địa bàn thành phố Tân An làm cơ sở triển khai nhân rộng.
Tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả các công trình, mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và sản xuất phân compost (phân hữu cơ) chất lượng cao tại khu vực đô thị (Phường 3, thành phố Tân An) và khu vực nông thôn (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) được Tổ chức WWF-Việt Nam tài trợ; nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình tại các địa phương khác.
Giám sát chặt chẽ hoạt động xả nước thải của các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có lưu lượng xả khí thải, nước thải lớn ra môi trường; doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 và mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường theo quy định.
Với tiêu chí Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường: Long An bố trí 1% ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 01/12/2023 của HĐND tỉnh và Quyết định số 13/2024/QĐ-UBND ngày 08/5/2024 của UBND tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp với cách thức truyền thông và thông điệp truyền tải phù hợp với mọi đối tượng cần tuyên truyền; hướng dẫn doanh nghiệp “xanh hóa” quy trình vận hành thông qua việc số hóa các công việc giấy tờ để giảm sử dụng giấy, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các hoạt động của doanh nghiệp, lắp đặt thiết bị đo năng lượng/điện năng tiêu thụ, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu việc sử dụng nhựa trong quá trình sản xuất và đóng gói, đầu tư hệ thống quản lý chất thải rắn sạch hơn
Với chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường: Địa phương này sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tài chính, các quy định về đầu tư theo hướng dẫn của Trung ương nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi cho các hoạt động thu hút về tỉnh; thực thi các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường và mở rộng hoạt động trong các ngành sản xuất năng lượng tái tạo (điện năng lượng mặt trời, điện gió,…), các lĩnh vực sản xuất với tôn chỉ xanh hóa quy trình sản xuất, vận hành, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, các lĩnh vực ít tác động đến môi trường như các ngành thương mại, dịch vụ nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào quá trình chuyển đổi hướng đến tăng trưởng xanh....
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Chỉ số Xanh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp. Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Hoàng Hương
Bình luận