Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ sáu, 30/08/2024 07:08
TMO - Trong những năm qua, mặc dù tỉnh Long An kiên quyết xử lý đối với việc đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất trồng lúa trái quy định, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa dừng lại, diện tích đào ao mới vẫn đang tiếp tục gia tăng tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Theo ngành chức năng tỉnh Long An, tính đến cuối tháng 7/2024, diện tích đất nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh là 522ha, tăng 77ha so với năm 2023. Trong đó, huyện Mộc Hóa nhiều nhất là 281 ha, kế đến huyện Tân Hưng là 105ha, Tân Thạnh 53ha, Thạnh Hóa 50ha, Vĩnh Hưng 21ha và thị xã Kiến Tường là 11,8ha.
Trước đó, từ năm 2016, một vài hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích ban đầu chỉ 2ha. Do tôm phù hợp với môi trường nước mặn, trong khi vùng Đồng Tháp Mười là vùng nước ngọt nên người dân khoan giếng khai thác nguồn nước mặn tại chỗ; đồng thời, bổ sung muối vào ao nuôi. Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu khá cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Từ đó, việc đào đất trồng lúa để nuôi tôm lan rộng ra nhiều hộ dân tại xã Tân Lập, một số xã của huyện Mộc Hóa và các huyện khác của tỉnh như Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.
Người dân tự chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng Đồng Tháp Mười tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa.
Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân đều khoan giếng tầng nông (độ sâu 30-40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4-9‰ hoặc dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1.000m2) cho ao nuôi tôm. Đa số các hộ thả giống nuôi với mật độ cao, dao động từ 100-300 con/m2. Theo đánh giá của các nhà khoa học thì việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng; tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, gây thiếu nước vào mùa khô, sụt lún đất đai.
Việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác. Bên cạnh đó, hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Hóa, những thửa ruộng nằm vẫn đang được người dân sử dụng máy múc để đào sâu tạo thành ao. Những ao đã đào xong được người dân cho phủ bạt đáy, tạo cống xả ra mương, rạch trước khi bơm nước mặn vào nuôi tôm. Tại thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng…rất nhiều cánh đồng lúa cũng đang dần biến dạng, đổi màu nham nhở do người dân, doanh nghiệp ồ ạt khoan giếng tầng sâu, đào ao trên ruộng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nước mặn.
Qua khảo sát của ngành chức năng, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng bước đầu khá thuận lợi, đa số hộ nuôi có lợi nhuận khá cao. Chi phí đầu tư ban đầu như đào ao, trang thiết bị cho 1ha khoảng 1 tỷ đồng; giá thành sản xuất ra 1kg tôm thương phẩm khoảng 70.000 đồng/kg, giá bán 1kg tôm thương phẩm khoảng 120.000 đồng/kg; năng suất khoảng 15 tấn/ha/vụ nuôi. Bình quân lợi nhuận cho 1ha/vụ nuôi (3 tháng) khoảng 750 triệu đồng (chưa tính khấu hao chi phí đào ao, trang thiết bị đầu tư ban đầu). Mỗi năm nuôi 3 vụ/ha, lợi nhuận khoảng 2,25 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư đào ao, trang thiết bị ban đầu, người dân còn lợi nhuận khoảng 1,25 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, từ năm 2023, 70% diện tích nuôi chỉ huề vốn hoặc lỗ, còn lại 30% có lợi nhuận nhưng thấp. Nguyên nhân là dịch bệnh phát sinh ngày càng nhiều, giá vật tư tăng cao, giá tôm thương phẩm giảm.
Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở đã tăng cường kiểm tra phát hiện, xử phạt 57 trường hợp vi phạm liên quan đến việc khoan giếng tầng sâu lấy nước mặn nuôi tôm thẻ, chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.
Qua công tác kiểm tra nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười, lãnh đạo UBND tỉnh Long An nhận định, thời gian qua có một số cá nhân, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng, khoan giếng tầng sâu, lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng. Hậu quả, hệ sinh thái, quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, tài nguyên đất và nước bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm…
Các sở, ngành, địa phương cũng đã làm tốt việc xử lý vi phạm nuôi tôm thẻ chân trắng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các biện pháp về thủ tục tiếp theo các đơn vị chưa thực hiện quyết liệt (như về phân loại ra những trường hợp phải khôi phục lại hiện trạng; chưa phối hợp với các địa phương rà lại hộ hiện hữu, tồn tại trước khi có chỉ đạo UBND tỉnh; chưa kiểm tra đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cho hộ tiếp tục nuôi, nhưng phải có cam kết thời gian ngừng nuôi; những hộ đã lỡ đầu tư nuôi trước đây, cần phải có giấy cam kết thời gian ngừng nuôi;…). Các sở ngành liên quan còn rất lúng túng trong quản lý nuôi tôm. Điều này, dẫn đến hệ lụy môi trường, kể cả ảnh hưởng đến quy hoạch của tỉnh và đời sống của người dân sau này.
Việc nuôi tôm ngoài quy hoạch dẫn tới những ảnh hưởng liên quan đến môi trường, đất đai.
Trước tình trạng trên, để quản lý việc sử dụng đất trong nuôi tôm thẻ chân trắng một cách chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, ổn định, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không phá vỡ quy hoạch, hạn chế tác động xấu đến môi trường, sản xuất nông nghiệp; UBND tỉnh Long An vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nghiêm túc thực hiện việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực trên địa bàn.
Theo đó, Sở NN&PTNT Long An được giao tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi thủy sản theo quy định của Luật Đất đai và các quy định về nuôi trồng thủy sản; phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường quản lý về con giống, vật tư phục vụ sản xuất thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản, về sử dụng chất cấm, chất không có tên trong danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ tại các địa phương để kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý.
Sở TN&MT Long An có nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý theo thẩm quyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, về bảo vệ môi trường. Song song đó, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn và bảo vệ môi trường nuôi tôm thẻ.
UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu UBND các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tăng cường công tác quản lý, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Đất đai, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của địa phương; tiếp tục công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ, khoan giếng lấy nước mặn và công tác bảo vệ môi trường. Đối với các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định pháp luật thì phải kiên quyết xử lý và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong việc người dân sử dụng đất không đúng mục đích. Theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ, báo cáo tiến độ sản xuất định kỳ hàng tháng về ngành chức năng để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh.
Lê Thành
Bình luận