Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 16/05/2025 21:05
Thứ sáu, 16/05/2025 14:05
TMO - Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 100%, còn tại khu vực nông thôn đạt từ 95-98%.
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh phát sinh chất thải sinh hoạt khoảng 1.150 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom chủ yếu ở các đô thị, thị trấn, trung tâm các xã hoặc các tuyến đường xe thu gom có thể đến dao động trong khoảng 870-890 tấn/ngày.
Tỷ lệ thu gom xử lý rác thải đô thị năm 2024 đạt 100% và tỷ lệ thu gom xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 85,2%. Đối với rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý, người dân chủ yếu tự phân loại để ủ phân compost, tự đốt hoặc thải bỏ tại các khu vực vườn nhà, ven đường, kênh, mương.
Năm 2024, tỷ lệ thu gom xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 85,2%.
Trong nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đang tích cực triển khai các giải pháp quản lý chất thải rắn giai đoạn 2025 – 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ. Tỉnh Long An đặt mục tiêu cơ bản bảo đảm toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đều được phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu xử lý tập trung. Chất thải rắn công nghiệp cũng được quản lý nghiêm ngặt, xử lý tại các nhà máy trong hoặc ngoài tỉnh theo quy định.
Địa phương này đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt từ 95–98%. Toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố phải lập bộ và tổ chức thu đúng, thu đủ phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiến đến việc không sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác này.
Thời gian tới, Long An tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, từ cấp tỉnh đến cấp xã đối với công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Đảm bảo giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường khu vực công cộng, đô thị và nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp; xử lý chất thải rắn phát sinh tại các khu dân cư tập trung từ thành thị đến nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn tỉnh Long An.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thông tin, giáo dục - nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là ý thức về công tác thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn, lưu giữ, chuyển giao xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Phối hợp với các Tổ chức Quốc tế như WWF - Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam), Tổ chức KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc), Tổ chức ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) thực hiện các dự án hỗ trợ Tỉnh thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có các mô hình thí điểm về tuyên truyền, vận động người dân và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn sau phân loại.
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 95-98%.
Thực hiện “Chuyển đổi số Quản lý chất thải rắn” trên địa bàn tỉnh Long An nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu xây dựng chính quyền số; bảo đảm hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tốt hơn.
Cùng với đó, triển khai xây dựng 01 khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia khoảng 200 ha tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, bùn thải và các loại chất thải rắn khác. Chất thải được phân loại tại nguồn; công nghệ xử lý bao gồm tái sử dụng - tận thu, ủ phân, thiêu đốt chất thải không tái chế được (đốt rác phát điện hoặc thu hồi năng lượng), chôn lấp. Tăng cường phối hợp với TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu hút nhà đầu tư xây dựng và vận hành Khu xử lý chất thải rắn tập trung tại Khu công nghệ Môi trường Xanh (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa).
Xây dựng 03 khu xử lý chất thải rắn tập trung tại các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Cần Giuộc với quy mô tối thiểu 30 ha/khu. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại các vị trí quy hoạch đã được phê duyệt ở huyện Cần Giuộc. Xây dựng 01 Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện với công suất 300 tấn/ngày của Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Trí Việt (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa; cạnh Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa).
Nâng cấp, chuyển đổi công nghệ đốt sang đốt phát điện và nâng công suất xử lý chất thải rắn từ 300 tấn/ngày lên thành 500 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn tại tất cả các khu đô thị có khoảng cách đến khu xử lý chất thải rắn trên 20 km; bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn cỡ nhỏ tại các khu đô thị có bán kính phục vụ tối đa 10 km.
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ và đôn đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc nâng cấp, chuyển đổi công nghệ đốt sang đốt phát điện và nâng công suất xử lý chất thải rắn từ 300 tấn/ngày lên thành 500 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An; phấn đấu từ năm 2025 - 2026 hoàn thành.
Cải tạo, nâng cấp và nâng công suất các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Vĩnh Hưng (công nghệ ủ phân compost và chôn lấp), Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Tân Hưng (công nghệ đốt) và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa (công nghệ đốt) đảm bảo đáp ứng xử lý hết chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và an toàn vệ sinh trên địa bàn. Đóng cửa bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, phấn đấu bắt đầu thực hiện từ năm 2025 và đến cuối năm 2026 hoàn tất xử lý địa điểm ô nhiễm môi trường nêu trên...
Bên cạnh đó, bố trí, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt và niêm yết công khai theo đúng quy định. Nhân rộng phạm vi triển khai thực hiện ứng dụng Hệ thống “Chuyển đổi số Quản lý chất thải” tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Long An nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải trên phạm vi toàn tỉnh sau khi việc sắp xếp và sáp nhập hoạt động ổn định.../.
Thu Hiền
Bình luận