Hotline: 0941068156
Thứ hai, 28/04/2025 17:04
Thứ hai, 28/04/2025 06:04
TMO - Tại huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), mô hình sản xuất lúa hữu cơ mang lại lợi ích kép, giúp nông dân tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Mô hình này đang mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người dùng.
Tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp nông dân "nói không với hóa chất", thay đổi tập quán canh tác, hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ưu điểm của mô hình là tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng thị trường xuất khẩu, tạo thương hiệu cho địa phương, tăng thu nhập cho nông hộ.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được xem là bước chuyển dịch tích cực trong sản xuất, được nhiều nông dân trong tỉnh An Giang áp dụng có hiệu quả, từng bước góp phần xây dựng được thương hiệu lúa, gạo sạch An Giang trên thị trường. Trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp tại xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), khi Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang) triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ.
Theo đó, mô hình được thực hiện trên diện tích 7ha của 2 hộ nông dân tiên phong là ông Phan Thành Bắc và bà Tạ Thị Hiền, thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hòa. Đây không chỉ là thử nghiệm canh tác đơn thuần, mà còn là nỗ lực nhằm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác truyền thống của nông dân, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến nông, mục tiêu của mô hình là nâng cao nhận thức của nông hộ về tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ, từng bước bỏ thói quen lạm dụng hóa chất trong canh tác lúa.
Điểm sáng của mô hình là quy trình xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ Thu Đông. Thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, 2 hộ nông dân tham gia mô hình đã áp dụng phương pháp băm nhuyễn rơm rạ bằng máy, sau đó dùng chế phẩm phân hủy sinh học. Tiếp theo, ruộng được bơm nước ngập khoảng 5cm, tiến hành vùi rơm rạ xuống đất và phơi ruộng trong 7 ngày trước khi cày xới và làm đất để gieo sạ. Kết quả cho thấy, việc sử dụng chế phẩm đã giúp rơm rạ phân hủy nhanh hơn đáng kể so với các ruộng lân cận không áp dụng, đồng thời loại bỏ hoàn toàn mùi hôi khó chịu.
Bên cạnh đó, việc giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không chỉ giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nông dân, mà còn bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, mô hình còn hướng đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao chất lượng nông sản và tăng khả năng cạnh tranh. Mặc dù chi phí cho việc sử dụng chế phẩm phân hủy rơm rạ cao hơn khoảng 700.000 đồng/ha so việc đốt rơm truyền thống, nhưng lợi ích về môi trường và việc trả lại nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đất là rất lớn. So sánh với ruộng đối chứng canh tác theo phương pháp truyền thống, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã cho thấy những ưu điểm về chi phí và hiệu quả kinh tế.
Khảo sát, đánh giá ruộng lúa được canh tác sản xuất theo mô hình ruộng hữu cơ tại huyện Thoại Sơn. (Ảnh: PL).
Tổng chi phí sản xuất trên ruộng mô hình thấp hơn khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Sự chênh lệch này chủ yếu đến từ việc giảm đáng kể chi phí mua giống và sử dụng phân bón hóa học. Cụ thể, ruộng trình diễn đã giảm được 320kg/ha lượng phân bón hóa học, thay vào đó, lượng phân hữu cơ sử dụng lại cao hơn 200kg/ha so với ruộng đối chứng.
Điều này giúp giảm chi phí đầu vào và cải thiện độ phì nhiêu của đất về lâu dài. Thành công của mô hình là sự liên kết chặt chẽ với đơn vị doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ sản lượng lúa hữu cơ từ mô hình được doanh nghiệp cam kết thu mua theo giá thị trường.
Trước thời điểm thu hoạch khoảng 10 ngày, nhân viên của công ty sẽ trực tiếp đến thăm ruộng, đánh giá chất lượng và chốt giá, đồng thời thống nhất lịch thu hoạch với Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hòa. Sự liên kết này mang lại sự an tâm cho nông dân, giúp họ tập trung vào sản xuất, mà không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Những kết quả tích cực ban đầu của mô hình đã được ghi nhận và đánh giá cao trong tổng kết nhân rộng mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ phục vụ xây dựng nông thôn mới” do Trung tâm Khuyến nông tổ chức vào tháng 3 vừa qua tại xã Vọng Đông.
Qua đánh giá khảo sát cho thấy, mô hình đã giảm được 50% lượng phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và lợi nhuận cho nông hộ. Đáng chú ý, lợi nhuận chênh lệch giữa ruộng mô hình so với ruộng đối chứng đạt hơn 1,6 triệu đồng/ha.
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 28/3/2022 về việc phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, An Giang phấn đấu Phát triển nông nghiệp hữu cơ đến 2030, trong đó phấn đấu vùng trồng lúa hữu cơ đến năm 2025 diện tích gieo trồng 350 ha và khoảng 700 ha năm 2030. Vùng trồng rau, màu hữu cơ: đến năm 2025 diện tích gieo trồng đạt khoảng 30 ha và tối thiểu 50 ha vào năm 2030.
Vùng trồng cây dược liệu hữu cơ: diện tích gieo trồng đạt khoảng 20 ha năm 2025 và khoảng 40 ha năm 2030. Các sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 80% năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu An Giang là một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng sản xuất nông thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Trong xu thế hiện nay, mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà về lâu dài còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo đất và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm chi phí đầu tư trong sản xuất.
Thu Hằng
Bình luận