Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ ba, 18/04/2023 11:04
TMO - Thực tế sản xuất lúa tại các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh những hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo của vùng.
Theo Tổng cục Thống kê, đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng là vựa lúa của cả nước. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp; đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho biết, trước những thách thức của thị trường, giá cả, biến đổi khí hậu, để tạo một giá trị mới cho cây lúa, nông dân trồng lúa phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và giá trị cây lúa mang lại. Đặc biệt, phải gắn nông dân vào chiến lược chung, vào chuỗi giá trị lúa gạo mới nâng cao được thu nhập.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong những năm qua ngành hàng lúa gạo chạy theo tư duy lấy sản lượng làm mục tiêu, từ đó, làm mọi giải pháp để tăng sản lượng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa giúp người nông dân tăng thu nhập, thậm chí đi ngược lại. Do vậy, phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo theo hướng hình thành một chuỗi giá trị để hình thành một chuỗi liên kết ổn định, trong đó sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn cần được tiếp tục mở rộng tại các địa phương, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng lớn là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác; đồng thời, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… Đây được xem là mối liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học) trong sản xuất - tiêu thụ lúa gạo. Theo đó, mô hình cánh đồng lớn được thí điểm đầu tiên trong vụ hè thu năm 2011 ở ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh với diện tích liên kết hơn 7.800ha với 6.400 hộ nông dân tham gia.
Lợi thế của liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ là đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa, giá lúa tiêu thụ thuận lợi, doanh nghiệp thu mua từ bằng giá đến cao hơn so với thị trường chung. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh thúc đẩy việc giảm lượng giống gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất, lúa năng suất, chất lượng cao và ổn định, tăng sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.
Lợi thế của liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ là đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tiêu thụ lúa thuận lợi. Ảnh: HC.
Tại tỉnh Kiên Giang, việc liên kết sản xuất lúa theo mô mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ đang phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh đã xây dựng được 583 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, với diện tích gần 63.000ha; những cánh đồng còn lại được doanh nghiệp, thương nhân hợp đồng thu mua chốt giá khoảng 10 ngày trước thu hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023, tỉnh có 27.187 ha đạt chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu (EU), Mỹ, Nhật… Các giống lúa gieo trồng phổ biến trong cánh đồng lớn như: ĐS1, Jasmin85, ST24, ST25, RVT, Đài thơm 8, OM5451, OM18… Từ niên vụ 2022 - 2023 đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo Kiên Giang.
Tại Long An, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình cánh đồng lớn tại 190 cánh đồng với 847 hộ, diện tích trên 14.160ha. Thực tế cho thấy, lúa của nông dân trong mô hình cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu với giá bằng đến cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. Riêng những mô hình sản xuất lúa giống, doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn 500 đồng/kg. Mô hình cánh đồng lớn thực hiện trên địa bàn tỉnh những năm qua góp phần giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng, lợi nhuận của nông dân trong mô hình có thể cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ so với nông dân ngoài mô hình.
Thành phố Cần Thơ bình quân mỗi vụ lúa sản xuất gần 80 nghìn ha, riêng trong đó mô hình xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đang rất thuận lợi bởi giúp đầu ra ổn định cho nông dân có lãi cao hơn so với mô hình canh tác bình thường. Mô hình cánh đồng lớn thực hiện tại thành phố Cần Thơ từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng giờ đã tăng lên hơn 32.000 ha/vụ, góp phần giúp nông dân thuận lợi trong đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng, lợi nhuận của nông dân trong mô hình có thể cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ so với nông dân ngoài mô hình.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết: Hiện nay, trong vụ đông xuân 2022-2023 tiếp tục hình thành và mở rộng 140 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 36.000 ha, cao hơn 2.522 ha so với vụ đông xuân 2021-2022. Có 40% diện tích nông dân tham gia thực hiện cánh đồng lớn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg đối với lúa hàng hóa và 500-700 đồng/kg đối với lúa giống.
Với sự liên kết giữa các hộ dân trong mô hình cánh đồng lớn gắn với cung ứng các loại vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp, nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi khi có vùng nguyên liệu lúa gạo ổn định, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để nâng cao hiệu quả trồng lúa và giúp đầu ra sản phẩm ổn định, ngành Nông nghiệp các địa phương iếp tục các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp để phát triển cánh đồng lớn, các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng,... nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, tăng cường năng lực hoạt động và khả năng liên kết, hợp tác giữa các HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp.
Thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững được triển khai trên địa bàn, ngành Nông nghiệp hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện có quy mô lớn phục vụ cả cánh đồng, đầu tư máy cấy lúa, máy phun hạt (sạ lúa), bón phân, xây nhà kho, lò sấy lúa… Dự án cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều mô hình trình diễn để hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Đặc biệt là áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Phương Dung
Bình luận