Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 12:01
Chủ nhật, 04/12/2022 04:12
TMO - Liên Hợp Quốc cho biết, cần một khoản hỗ trợ lớn trị giá 51,5 tỷ USD dành cho 230 triệu người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới ở gần 70 quốc gia trong năm tới.
Lời kêu gọi phản ánh thực tế rằng tổng số người có nhu cầu nhiều hơn 65 triệu người so với năm 2022. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres cho biết, trong một năm xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, điều cần thiết là tài trợ cho các hoạt động cứu sinh vào năm tới, vốn là nguồn hy vọng cho hàng triệu người. Trong đó, việc giải quyết các vấn đề về khí hậu và ngăn chặn nạn đói cũng rất quan trọng.
Ông Martin Griffiths, người phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ cho biết nhu cầu cần sự giúp đỡ đang gia tăng đến mức đáng kinh ngạc, đồng thời, cảnh báo, rất có khả năng các trường hợp khẩn cấp trong năm nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Theo ông, nhu cầu đang tăng lên bởi vì chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine, cũng như COVID-19 và khí hậu. Ông lo ngại, năm 2023 sẽ hứng chịu sự gia tăng của các xu hướng đó.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc sơ tán người dân khỏi vùng lũ. Ảnh: AFP
Ông Griffiths cho hay, nhiều quốc gia đã trải qua hạn hán và lũ lụt cướp đi sinh mạng của nhiều người, từ Pakistan đến vùng Sừng châu Phi. Ngoài ra, cuộc chiến ở Ukraine đã biến một phần châu Âu thành bãi chiến trường. Bên cạnh sự tàn phá do đại dịch COVID-19 để lại đối với những người nghèo nhất thế giới, hơn 100 triệu người hiện đang phải di dời trên toàn cầu. Nếu triển vọng nhân đạo cho năm 2023 quá ảm đạm, phần lớn sẽ là do nhu cầu cứu trợ tăng quá cao. Để giúp đỡ các cộng đồng ở tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu, người đứng đầu cơ quan cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc khẳng định, các tổ chức nhân đạo nên đóng vai trò chủ đạo hơn trong các cuộc thảo luận về khí hậu quốc tế, nhằm đảm bảo nguồn tài trợ cho những người cần nhất.
Cuộc kêu gọi nhân đạo toàn cầu do LHQ đứng đầu năm nay chỉ nhận được tài trợ 47% - giảm mạnh so với những năm trước, thời điểm mức tài trợ từng đạt 60-65%. Tại Ukraine, 13,6 triệu người đã nhận được hỗ trợ và tổng số tiền 5,7 tỷ USD đã được yêu cầu hỗ trợ cho quốc gia này và khu vực rộng lớn hơn vào năm tới. Bên cạnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu, ông Griffiths cũng cảnh báo về mối đe dọa của nạn đói. Vào cuối năm nay, ít nhất 222 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở 53 quốc gia. Hơn nữa, 5 quốc gia đã trải qua tình trạng tương tự như nạn đói, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó, có trẻ em, do mất chỗ ở và thiếu lương thực.
Báo cáo Tổng quan Nhân đạo Toàn cầu cho thấy, năm 2023, 45 triệu người ở 37 quốc gia có nguy cơ chết đói. Các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, khi các nhà cung cấp dịch vụ y tế tiếp tục đấu tranh để phục hồi sau COVID-19 và trong bối cảnh mpox (tên gọi thay thế cho bệnh đậu mùa khỉ), các bệnh do véc tơ truyền bệnh khác, cũng như Ebola và dịch tả bùng phát. Ông Griffiths cho biết, biến đổi khí hậu cũng đang làm gia tăng rủi ro và tính dễ bị tổn thương, càng làm dấy lên mối lo ngại vào cuối thế kỷ này rằng nhiệt độ tăng cao có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người tương đương với bệnh ung thư.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, tổ chức này cần 1,9 tỷ USD để tiếp cận 48 triệu người sống dựa vào nông nghiệp và canh tác tự cung tự cấp, cũng như hỗ trợ cứu sinh và sinh kế vào năm 2023. FAO cho biết, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu khi tổ chức này đưa ra các kế hoạch nhằm đảm bảo một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới tiếp tục nhận được nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng ổn định. FAO cung cấp tiền mặt, cây trồng, các gói hạt giống rau và thức ăn chăn nuôi cho những người có nhu cầu, kể cả ở các khu vực xung đột.
Thu Thảo
Bình luận