Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 17/10/2022 19:10
TMO - Mới đây, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy chủ trì.
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bắc Huỳnh, Tổng thư ký Hội đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo với nhiều nội dung, trong đó có vấn đề xã hội hóa quản lý, khai thác, xử lý, sử dụng tài nguyên nước; cần coi nước thải là tài nguyên, cần có chính sách khuyến khích tái sử dụng nguồn nước thải; cần phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong truyền thông nâng cao nhận thức, tổ chức phong trào và xây dựng mô hình quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước…
Những góp ý của đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam được ghi nhận và đánh giá cao, đồng thời sẽ xem xét đưa vào dự thảo của Luật Tài nguyên ngước (sửa đổi).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của pháp Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung như quy định về vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 có giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất. Thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như: phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp.
Phạm Dung
Bình luận