Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 18/05/2025 13:05
Thứ bảy, 17/05/2025 08:05
TMO - Tỉnh Lâm Đồng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 1.905,5 ha.
Theo quyết định, tổng diện tích quy hoạch phân bố tại huyện Đạ Huoai 1.260,5 ha, huyện Di Linh 320 ha, huyện Đức Trọng 270 ha, huyện Đam Rông 55 ha. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện xác định cụ thể ranh giới vùng quy hoạch ngoài thực địa và quản lý chặt chẽ vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao được phê duyệt theo quy định.
Đồng thời, tổ chức công khai, thông báo rộng rãi vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Triển khai các chính sách hỗ trợ, bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao và áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến gắn với sản xuất bền vững và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Tỉnh Lâm Đồng quy hoạch vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao với tổng diện tích 1.905,5 ha (Ảnh minh họa).
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các huyện tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ và phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 112 năm 2025 của Chính phủ. Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai thực hiện vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với các địa phương chuyển giao các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao và các giải pháp canh tác tiến tiến, sản xuất bền vững vào sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, năm 2024, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán, mưa bão, sạt lở đất xảy ra ở một số địa phương, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cơ bản bảo đảm kế hoạch, diện tích gieo trồng các mặt hàng nông sản chủ lực đều tăng so cùng kỳ và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng diện tích gieo trồng năm 2024 đạt 417.240 ha, tăng 3,3%; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 69.637 ha, chiếm trên 21,2% diện tích canh tác, tăng 4,1%. Đồng thời Lâm Đồng cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng; các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và giảm nhẹ so cùng kỳ.
Năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao heo tiêu chí mới toàn tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 69,6 nghìn ha, chiếm 21,2% diện tích canh tác, tăng 2.764 ha so với năm 2023; trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh là 730 ha. Đồng thời, toàn tỉnh hình thành thêm 21 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng tổng số chuỗi toàn tỉnh lên 255 chuỗi, với hơn 31,9 nghìn hộ tham gia. Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích liên kết đạt hơn 54,2 nghìn ha, sản lượng hơn 667,2 nghìn tấn;
Tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị nông sản.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Qua đó, đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, máy móc thiết bị tiên tiến... Nghiên cứu nhập nội giống cây trồng, vật nuôi năng suất chất lượng cao, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống, bảo đảm nguồn giống phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Đến hết năm 2025, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 71.200 ha (gồm 1.000 ha nông nghiệp thông minh) với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong nước và quốc tế (như GlobalGAP, HACCP,...) nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp và quản lý, kiểm soát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản bảo đảm truy xuất nguồn gốc; phát triển thêm ít nhất 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao.../.
Ngọc Ánh
Bình luận