Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/12/2024 04:12
Thứ hai, 29/07/2024 07:07
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng bố trí 3 khu tái định cư cấp bách, kết hợp bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển du lịch sinh thái, văn hóa trên địa bàn 3 huyện Đơn Dương, Cát Tiên và Di Linh.
Theo đó, Khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa trên địa bàn huyện Đơn Dương ở Thôn Hamanhai 1, xã Pró, huyện Đơn Dương, có diện tích dự án khoảng 8,37 ha; quy hoạch đất ở nông thôn, hiện chưa có đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống về cấp, thoát nước. Tổng mức đầu tư, theo đề nghị của UBND huyện Đơn Dương là 50 tỷ đồng.
Khu vực dự án dự kiến bố trí toàn bộ đất ở nông thôn – dạng biệt lập, với quy mô dân số khu quy hoạch là 292 nhân khẩu trên 73 hộ tập trung và 40 hộ xem ghép tại chỗ. Các hạng mục cần đầu tư xây dựng, là: san gạt mặt bằng; đường giao thông, vỉa hè; hệ thống cấp thoát nước; hệ thống điện; nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học; khu công viên, thể thao; hỗ trợ đền bù giải phòng mặt bằng; hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá du lịch; hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ tái định cư cho 30 hộ.
Khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, cách trung tâm xã 2 km về hướng Tây, một phần tiếp giáp hồ Đạ Bo B có lưu vực 13,4 km2 và một phần tiếp giáp rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Cát Tiên với diện tích trên 1.800 ha. Bản Brun có diện tích 29,13 ha, dân số có 25 hộ/80 khẩu, 100% người dân tộc Mạ, là một trong những khu tái định cư trên địa bàn huyện có vị trí địa lý thuận lợi và phù hợp cho xây dựng khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái. Tổng nhu cầu vốn đầu tư, theo đề nghị của UBND huyện Cát Tiên là 28,5 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư xây dựng của dự án, gồm: Xây dựng nâng cấp khu sinh hoạt cộng đồng; Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và siêu tầm các hiện vật truyền thống của người DTTS (Châu Mạ); Cải tạo, nâng cấp một số cơ sở hạ tầng, chỉnh trang khu dân cư để phát triển theo hướng mô hình homestay phục vụ du lịch sinh thái; Đầu tư nâng cấp tuyến đường sản xuất kết nối Hồ Đắc Lô với chiều dài khoảng 8 km phục vụ kết nối du lịch sinh thái từ Bản Brun, hồ Đạ Bo đến Hồ Đắc Lô và hơn 400 ha cây ăn trái của các hộ gia đình cá nhân liền kề.
Lâm Đồng đề xuất thí điểm khu tái định cư kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh, với nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, gồm: nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà truyền thống, nhà vệ sinh, cổng, hàng rào, chòi nghỉ, cột cờ, cây xanh; và, một số hạng mục được đề xuất bổ sung, như: Tăng số lượng nhà vệ sinh công cộng, di dời các trụ đèn trang trí, lắp đặt thêm các trụ đèn pha chiếu sáng ở 4 góc làng, mở cổng phụ cho xe vận chuyển trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ các chương trình tổ chức tại làng, tháo dỡ công trình Nhà văn hóa của 2 thôn K’Long Trao 1, K’Long Trao 2 để xây dựng bãi đỗ xe, công viên và các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương, xây dựng cổng chào mang nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho,…
Mục tiêu xây dựng, nhằm thí điểm khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho tại chỗ gắn với chuẩn bị điều kiện phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Quy mô đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 20 ha; Đầu tư mặt bằng, chỉnh trang, đầu tư hệ thống đường giao thông dài 7,5 km; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống thoát nước, 1 nhà văn hóa,... Tổng mức đầu tư, theo đề nghị của UBND huyện Di Linh là 30 tỷ đồng.
Lâm Đồng đã có sẵn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, yếu tố địa lý và lịch sử, con người và định hướng phát triển du lịch có chiều sâu từ quá khứ đến ngày nay... là những điều kiện thuận lợi nhất định tạo nên một Lâm Đồng, một điểm đến du lịch mang sắc thái riêng độc đáo của Tây Nguyên, của Việt Nam và hội nhập du lịch quốc tế mạnh mẽ.
Các giải pháp về sản phẩm đặc trưng và cốt lõi nhằm đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch Lâm Đồng, với các loại hình sản phẩm đặc trưng chính: Du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (golf, đua ngựa), du lịch sinh thái - mạo hiểm, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch đô thị, du lịch sáng tạo...; liên kết vùng với: Hoa và biển (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên), Con đường di sản miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế), Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (các tỉnh Tây Nguyên), Di sản văn hóa thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo (các tỉnh Tây Nguyên)...
Việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng thời, các khu tái định cư này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngọc Lan
Bình luận