Hotline: 0941068156
Thứ hai, 19/05/2025 11:05
Chủ nhật, 18/05/2025 06:05
TMO - Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Trong bối cảnh lượng rác thải ngày càng gia tăng, quản lý chất thải rắn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác tại thành phố Đà Lạt đang được quan tâm và triển khai đồng bộ nhằm đối phó với áp lực gia tăng lượng rác thải do tốc độ đô thị hóa và lượng khách du lịch ngày càng cao.
Với đặc thù là thành phố du lịch trọng điểm của cả nước, Đà Lạt cần đảm bảo môi trường cảnh quan luôn xanh – sạch – đẹp. Để làm được điều đó, địa phương đã giao cho các đơn vị chuyên trách như công ty dịch vụ đô thị thực hiện việc thu gom rác hằng ngày tại khu dân cư, chợ, khu vực công cộng và các tuyến đường chính.
Cùng với đó, công tác thu gom hiện được triển khai theo khung giờ cố định, kết hợp với việc bố trí các điểm tập kết rác hợp lý nhằm hạn chế tình trạng tồn đọng hoặc phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Tuy nhiên, một số khó khăn trong thu gom, xử lý CTRSH vẫn tồn tại như hạ tầng thu gom chưa đồng bộ, nhiều khu dân cư ở vùng ven chưa có điểm thu gom cố định, ý thức của một bộ phận người dân trong việc phân loại và đổ rác đúng nơi quy định còn hạn chế.
Việc phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân được xem là yếu tố then chốt để công tác quản lý chất thải sinh hoạt đạt hiệu quả bền vững trong thời gian tới. Được biết, tính đến hết năm 2024, tổng số dân của Đà Lạt là 281.531 người với khoảng 89% sống ở các phường đô thị. Mật độ dân số trung bình là 594 người/km2, mật độ ở nội thị dày hơn, lên tới 1.058 người/km2.
Ngoài ra, lượng rác từ du khách cũng tạo thêm áp lực cho hệ thống xử lý hiện hữu. Do đó, thành phố đã có định hướng mở rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, tăng cường các chiến dịch truyền thông cộng đồng, và từng bước đầu tư phương tiện, thiết bị chuyên dụng để nâng cao hiệu quả thu gom, giảm tải cho khâu xử lý cuối cùng.
Đà Lạt có lượng khách du lịch lớn, khiến lượng rác thải cũng gia tăng. (Ảnh: ĐT).
Ngoài mật độ dân số cao nhất cả tỉnh thì lượng du khách trong và ngoài nước tới Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm trung bình 6 - 7 triệu lượt, riêng năm 2024 có 7,9 triệu. Với vai trò là đô thị loại I, dân số tăng cao hàng năm và lượng khách du lịch như đề cập ở trên, mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn từ 350 - 400 tấn, chưa kể rác thải cồng kềnh, rác xây dựng... đang tạo áp lực ngày một lớn trong công tác xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố. Theo UBND TP Đà Lạt, thời gian qua, CTRSH phát sinh hằng ngày trên địa bàn thành phố đều được Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt thu gom và vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải với tỷ lệ thu gom đạt 99,5%.
Bên cạnh đó, công tác phân loại CTRSH tại nguồn đã bước đầu được thực hiện. Cụ thể, các đơn vị được giao đã triển khai các mô hình thí điểm như: mô hình thí điểm ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình tại 4 xã, Mô hình Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Phường 2, Mô hình Ngôi nhà xanh phân loại CTRSH tại trường học (Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Trường THCS Nguyễn Du) đã được thực hiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá về tổng thể, các hoạt động cải thiện xử lý rác thải tại nguồn như đề cập quá trình triển khai có tính ngắn hạn, thời điểm, nhưng chưa được triển khai rộng rãi trên quy mô đồng bộ toàn thành phố. Do đó, hiệu quả còn tương đối hạn chế. Hiện trên địa bàn các phường, xã đều còn nhiều điểm ghi nhận người dân bỏ rác không đúng giờ.
Trong đó, phổ biến nhất hiện nay là việc người dân chưa tự phân loại rác thải sinh hoạt để mang đến điểm tập kết. Nhiều loại rác thải to, cồng kềnh như các đồ dùng cũ trong nhà (nệm, bàn, ghế hư hỏng…) vẫn được người dân bỏ lẫn vào rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Đáng chú ý, tình trạng đổ cả xà bần, rác thải xây dựng tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt khiến công tác thu gom của đơn vị chức năng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phổ biến nhất là nhiều người dân chưa có thói quen phân loại rác thải tại nguồn, rác thải phát sinh ngoài các điểm thu gom vẫn còn nhiều. Riêng đối với việc xử lý rác tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn Xuân Trường, nơi xử lý 100% lượng rác sinh hoạt của Đà Lạt, cũng còn không ít bất cập.
Điển hình là những năm qua, nhà máy này nhiều lần để xảy ra sự cố sạt lở rác khu vực tập kết xuống vườn cà phê xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Cùng với đó, công nghệ xử lý rác của Đà Lạt đã cũ, nguồn kinh phí từ ngân sách cho đầu tư trang thiết bị thu gom, xử lý chất thải rắn còn hạn chế, thiếu nguồn lực để thực hiện… Để đảm bảo công tác thu gom khoa học, tăng cường bảo đảm mỹ quan đô thị, Công ty Dịch vụ Đô thị Đà Lạt đã phối hợp với phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
TP.Đà Lạt đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý CTRSH để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan. (Ảnh: HN).
Trong đó, tập trung chủ yếu là việc yêu cầu người dân bỏ rác đúng giờ quy định, không bỏ lẫn rác xây dựng với rác thải sinh hoạt. Riêng đối với một số tuyến đường có lượng rác thải cao, công ty đã tăng số lần thu gom rác trong ngày nên vệ sinh môi trường thành phố cơ bản duy trì đảm bảo. Theo lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, trong tháng 4/2025, địa phương cũng xây dựng kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn.
Kế hoạch đã đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể, như: Trong năm 2025, triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn đến tất cả các phường, xã trên địa bàn. Đảm bảo 100% hộ gia đình, cơ sở kinh doanh và cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, trong đó có 50% hộ gia đình, cơ sở kinh doanh và cơ sở lưu trú thực hiện tốt hoạt động phân loại này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 398.668 tấn/năm, tương đương 1.092,3 tấn/ngày. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 3 nhà máy xử lý CTRSH hoạt động gồm nhà máy xử lý rác vùng tỉnh tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc với công suất thiết kế 200 tấn/ngày; nhà máy xử lý rác vùng tỉnh tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt công suất thiết kế giai đoạn I là 200 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 300 tấn/ngày (vượt công suất); nhà máy xử lý rác vùng huyện tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương với công suất thiết kế 150 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 50 tấn/ngày (dư công suất).
Để giữ gìn môi trường sống trong lành và cảnh quan đô thị đặc trưng, công tác thu gom, xử lý CTRSH tại TP.Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung cần tiếp tục được nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Việc đầu tư công nghệ, đẩy mạnh phân loại tại nguồn và tăng cường ý thức người dân là những giải pháp trọng tâm. Trong bối cảnh lượng rác ngày càng gia tăng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị xanh, sạch, phát triển bền vững.
Huyền Thương
Bình luận