Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/07/2025 00:07
Thứ hai, 21/07/2025 15:07
TMO - Một số khu vực của tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận những thiệt hại như nhiều nhà dân bị tốc mái, sầu riêng rụng trái, đổ cây xanh, trụ điện...do mưa và gió lớn.
Từ chiều qua đến sáng nay 21/7, nhiều khu vực của tỉnh Lâm Đồng có mưa to, gió lớn. Tại các xã, phường phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, gồm phường B’Lao và các xã: Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 2, Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 4; các phường: Phường 1 Bảo Lộc, Phường 2 Bảo Lộc và Phường 3 Bảo Lộc có mưa to kèm theo gió lớn kéo dài trong nhiều giờ.
Theo ghi nhận ban đầu, mưa to, gió lớn đã khiến nhiều cây xanh, trụ điện bị ngã đổ; một số nhà dân bị tốc mái, ngập úng; nhiều vườn sầu riêng bị rụng trái… Với nhiều cây xanh bị ngã đổ chắn ngang đường đã khiến một số tuyến giao thông xảy ra ách tắc cục bộ, hệ thống điện lưới ở khu vực Đà Lạt bị gián đoạn do cây xanh ngã đổ vào đường dây.
Đặc biệt, vào khoảng 5 giờ sáng ngày 21/7, tại đường Hồ Tùng Mậu, cạnh công viên Xuân Hương, phường Xuân Hương-Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), một cây thông lớn có đường kính gốc khoảng 70cm, cao gần 30m đã bị gió giật gãy đổ, đè lên một chiếc xe ô tô của du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, gây hư hỏng nặng.
Cây thông đổ do gió bão khiến 1 ô tô bị hư hỏng nặng. (Ảnh: VĐ).
Chính quyền các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã huy động các lực lượng khắc phục hậu quả tập trung vào việc cắt dọn cây xanh ngã đổ để đảm bảo giao thông, giúp những hộ dân bị ngập úng di chuyển tài sản đến nơi khô ráo, thống kê thiệt hại để đánh giá mức độ thiên tai và phục vụ công tác hỗ trợ cho người dân.
Trước đó vào ngày 20/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công điện khẩn số 370 về việc ứng phó với bão số 3 (bão Wipha) gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; các sở, ban, ngành; 124 xã, phường, đặc khu. Bên cạnh đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng có công văn gửi các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong thời điểm bão số 3 (bão Wipha) đang diễn biến phức tạp.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu; tăng cường kiểm tra, gia cố các tuyến đê biển, đê cửa sông; chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt…/.
Đình Duy
Bình luận